CEO Vietjet truyền cảm hứng khởi nghiệp tại WEF ASEAN 2018
Nữ doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Phương Thảo là diễn giả duy nhất đại diện cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong phần thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018, bên lề WEF ASEAN 2018.
Nữ doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Phương Thảo là diễn giả duy nhất đại diện cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong phần thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm kinh doanh trước hơn 1.000 CEO, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. Hội nghị là hoạt động bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội.
Trong tà áo dài duyên dáng và phong thái thanh tao mà dung dị, nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á đã ghi dấu ấn đặc biệt tại diễn đàn mang tầm vóc thế giới được doanh nghiệp của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những phát biểu của CEO Vietjet lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai tươi sáng cho các doanh nhân tham dự diễn đàn, nhất là doanh nhân khởi nghiệp.
Chúng tôi xin trích nội dung phần phát biểu của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chiều 13/9 tại diễn đàn.
Sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Việt Nam trong một ASEAN ngày càng kết nối sâu rộng.
“Chúng ta đang chứng kiến hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) với một ASEAN ngày càng kết nối sâu hơn trong nội bộ và hội nhập rộng hơn với thế giới. Chúng ta cũng chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, một Chính phủ với cam kết kiến tạo, một chính phủ hành động. Chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Việt Nam theo học giả quốc tế mô tả, đang trở thành ngôi sao của các thị trường mới nổi, bất chấp những thách thức, khó khăn tồn tại.
Vietjet ra đời, hoạt động trong bối cảnh đó, chúng tôi hoạt động với tinh thần dẫn đầu xu thế và tạo ra xu thế mới. Thời ấy chưa nói nhiều đến Cách mạng Công nghệ 4.0, chúng tôi đi theo hướng ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa cao nhất trong hoạt động doanh nghiệp của mình.
Chắc các quý vị vẫn còn nhớ, chỉ 5-7 năm trước đây vé máy bay in bằng giấy, thanh toán bằng tiền mặt, check in thủ công, hóa đơn chứng từ đối chiếu cuối tháng.... Chỉ sau mấy năm, bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone là tất cả mọi người ở bất cứ đâu trên khắp vùng miền, trên khắp thế giới đều có thể đặt vé, thanh toán, check in... Chúng ta còn có thể mua các dịch vụ cùng với vé máy bay, mua suất ăn, hành lý, khách sạn, dịch vụ vận chuyển ô tô... Đấy là kết quả mà Vietjet rất vui được mang lại những thay đổi trong dịch vụ hàng không, phương thức phục vụ trong một ngành rất đặc thù này.
Chúng tôi mang đến sự thay đổi không chỉ cho khách hàng Việt Nam, thị trường Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi rất nhiều khách hàng của chúng tôi tới từ Hàn Quốc, Myanmar... cũng là những người lần đầu tiên đi máy bay.
Chúng tôi còn hướng tới những khách hàng không biết tiếng Anh, thậm chí không biết đọc, biết viết nhưng chỉ với công cụ là điện thoại smartphone và hướng dẫn đơn giản vẫn có thể bước chân ra khỏi làng quê của mình, thực hiện được các thủ tục và có chuyến bay tốt đẹp. Đó là sự kết nối của những quốc gia, những dân tộc khác nhau, những con người khác nhau bằng nỗ lực mang đến những thay đổi tích cực thông qua những hỗ trợ công nghệ để mang đến cho họ đời sống tốt đẹp hơn.
Như thế, chúng tôi bằng những cách cụ thể và giản dị đã nỗ lực đi đầu trong xu thế số hóa, tự động hóa cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà chúng ta liên tục nhắc tới những ngày qua – yếu tố này là then chốt cho mục tiêu kết nối tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo.
Ngay từ ngày đầu cất cánh, chúng tôi đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào trong mọi hoạt động, từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính... Hãng đầu tư đội bay hiện đại với xu hướng công nghệ mới nhất đảm bảo điều hành an toàn, chính xác, kịp thời đồng thời đem đến trải nghiệm bay thoải mái và thú vị cho hành khách.
Sự tham gia thị trường của Vietjet kích thích những thay đổi tích cực đối với thị trường hàng không: Ngành hàng không và giao thông năng động đổi mới, liên tục xây mới, mở rộng các sân bay, thay đổi phương thức quản lý, khởi động các dự án đào tạo, kỹ thuật, sản xuất linh kiện, thay đổi chính sách, luật pháp văn minh, tiến bộ và ngày một tiệm cận với thế giới phẳng, toàn cầu hoá.CEO Vietjet truyền cảm hứng khởi nghiệp tại WEF ASEAN 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, diễn giả tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. |
Dạy cho máy móc biết cười trong kỷ nguyên 4.0
Để thay đổi những thói quen về nhận thức, về tiêu dùng đòi hỏi cả quá trình và chúng tôi phải hết sức nỗ lực và nhẫn nại để từng bước, từng bước vượt qua những rào cản của hiện thực, tồn tại của một thời gian dài ngành hàng không của chúng ta đóng cửa.
Có thể kể ra đây, như chúng tôi đã nỗ lực để nhân viên của mình thực hiện 4 xin 4 luôn, tức cám ơn, xin lỗi và tươi cười. Trong khi, trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 này, trên thế giới rất nhiều sân bay đã không còn người phục vụ để thực hiện 4 xin 4 luôn nữa mà hoàn toàn tự động, từ check-in cho tới cân hành lý, làm tất cả các thủ tục... Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng mình phải dạy cho máy móc sẽ biết cười phục vụ hành khách trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0.
Chúng tôi đã dẫn đầu và tạo ra xu thế với cái nhìn toàn cầu, xây dựng công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hóa với hơn 40 quốc tịch. Vietjet xây dựng và kết nối mạng bay toàn cầu thông qua hệ thống liên danh (interlines) với các hãng hàng không khác.
Chúng tôi cũng lựa chọn các đối tác của mình là các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới ở khu vực Trung Đông, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu... Làm sao để khách hàng thông qua hệ thống công nghệ đã được kết nối tự động và những chuẩn mực về khai thác, vận hành, an toàn, an ninh và dịch vụ đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng hàng không lớn này thì khách hàng của chúng tôi có thể bay tới bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chúng tôi hướng tới xây dựng một hãng hàng không phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp thương mại điện tử (e-commerce) và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, logistics, chúng tôi gọi đó là Consumer Airlines - hãng hàng không phục vụ mọi yêu cầu tiêu dùng của con người.
Chúng tôi phải cảm ơn sự hợp tác hiệu quả của những tập đoàn đối tác toàn cầu và trong nước, như Google, Facebook, Amazon, FPT, VNPT, Viettel cùng chúng tôi phát triển thương mại điện tử, các dự án Big data, nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain và các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Trong mấy ngày qua, chúng ta còn nghe khá nhiều thách thức, nghe những số liệu của Việt Nam còn khiêm tốn khiến chúng ta phải suy nghĩ trong tiến trình hội nhập theo xu hướng cách mạng 4.0. Tôi muốn chia sẻ thông tin này để chúng ta có thể tự hào về những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN.
Tuần trước, Vietjet vừa được tạp chí hàng không uy tín hàng đầu thế giới Airfinance xếp trong danh sách top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới. Và rất tự hào là chúng tôi đứng ở vị trí thứ 22 - cao hơn nhiều hãng hàng không danh tiếng trên thế giới chứ không phải 49,50. Các tiêu chí đánh giá về mức độ hiện đại của đội máy bay, về những chuẩn mực vận hành, khai thác, các chỉ số về sức khoẻ tài chính, chất lượng bảng cân đối tài sản và các yếu tố khác. Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp ASEAN không tự tin về nội lực của mình, bất chấp những thách thức và hạn chế của môi trường hoạt động.
Với mức xuất phát điểm tương đối thấp, với rất nhiều khó khăn ở chặng đường phía trước nhưng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể mang đến những điều thần kỳ. Điển hình là những đổi thay về kinh tế chúng ta đã làm được kể từ khi bắt đầu chính sách Đổi mới đến nay, với tốc độ tăng trưởng GDP liên tục duy trì ở mức dẫn đầu khu vực. Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin, lạc quan với những triển vọng phía trước.
Chúng ta có thuận lợi ở thị trường dân số đông, trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức có thể tiếp tục tới từ chính sách quản lý, hạ tầng viễn thông và internet cần phát triển kịp nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất, quan trọng nhất với doanh nghiệp và những người lãnh đạo là ở chính mình, doanh nghiệp và doanh nhân cần phải đổi mới dẫn đầu xu thế cách mạng 4.0 để nắm bắt những cơ hội cho doanh nghiệp của mình, tạo ra giá trị cho nền kinh tế.CEO Vietjet truyền cảm hứng khởi nghiệp tại WEF ASEAN 2018.
"Những doanh nghiệp khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, chúng ta hãy mơ những giấc mơ to lớn và hãy biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động giản dị tại doanh nghiệp, tổ chức của mình, mỗi ngày mỗi lúc" - CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. |
Doanh nhân khởi nghiệp: Đừng tiết kiệm ước mơ!
Đến dự buổi hôm nay thì tôi được khá nhiều người hỏi câu hỏi trùng nhau về việc có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp và doanh nhân khởi nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới quốc gia khởi nghiệp.
Theo tôi, không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người mới làm thay đổi thế giới. Công nghệ là phương tiện và cuối cùng công nghệ vẫn được sáng tạo từ chính ước mơ, khát vọng của con người. Thế nên, những doanh nghiệp khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, chúng ta hãy mơ những giấc mơ to lớn và hãy biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động giản dị tại doanh nghiệp, tổ chức của mình, mỗi ngày mỗi lúc.
Trong mỗi hành động, mỗi qui trình, quyết sách của mình hãy mang vào đó yếu tố số hóa, tự động hóa, tinh thần của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để làm sao tăng năng suất lao động, giải phóng con khỏi lao động chân tay, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, mang tới giá trị to lớn hơn cho cộng đồng, xã hội.
Doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp không đơn độc, bởi chúng ta đang trong một quốc gia khởi nghiệp, chính phủ kiến tạo, cộng đồng ASEAN phát triển năng động nhất thế giới với tinh thần của cách mạng 4.0”.
Trả lời câu hỏi của một đại biểu tại diễn đàn, CEO Vietjet chia sẻ, thành công của Vietjet xuất phát từ ước mơ giản dị mong muốn mang lại cơ hội bay cho tất cả mọi người, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa chưa từng đi máy bay. Nữ tỷ phú cũng hy vọng chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ toàn diện và đồng bộ, từ trang bị kiến thức, kỹ năng cho doanh nhân khởi nghiệp tới định hướng ngành nghề, cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp…
Nữ doanh nhân nổi tiếng mong rằng, bắt đầu từ sự kiện WEF ASEAN 2018, tất cả cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm vị thế mới, tinh thần mới, quan hệ mới để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và khu vực đúng với tinh thần kết nối, đổi mới, sáng tạo.