Chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 vì một số lý do đặc thù
Chiều 9/11, làm rõ thêm một số vấn đề sau 2 ngày Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch của năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh, từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội vừa qua đã cho thấy rất nhiều bài học quý báu, đặc biệt đã cho thấy những khiếm khuyết cần phải điều chỉnh kịp thời để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu |
Theo Bộ trưởng, có 3 bài học đó là: Năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống Nhân dân;
Năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương, làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Cuối cùng là sức mạnh và vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn, cần phải có sự kết hợp hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Theo Bộ trưởng, đến nay thì tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại của nền kinh tế, số ca nhiễm có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vắc xin còn thấp. Trong bối cảnh đó, các Bộ, cơ quan, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường quan điểm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Không e ngại, hoang mang lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Về đánh giá tác động của Nghị quyết 128/NQ-CP, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện nghị quyết này thì tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, như trong báo cáo đã nêu, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021, vấn đề chậm giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần trước ngày 31/12/2020, tức là ngay cuối năm 2020 đã giao đầy đủ.
Theo đó, các Bộ, các ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể và việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung ở 2 nội dung chính.
Về việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đang chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 này phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022.
Còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới của năm 2021, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục đầy đủ và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như: việc chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu, ... Riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù như: Là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022. Ngoài ra, còn do tác động của Covid-19 giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ; Giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.
Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi các luật đầu tư công cơ bản đã hoàn chỉnh, Chính phủ đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 Luật, trong đó sẽ giải quyết tiếp tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ngoài những vấn đề nêu trên, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội góp ý, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, báo cáo với Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo, điều hành.