Chàng thanh niên kiếm tiền từ tò he
Nặn tò he là một nghề độc đáo, chỉ duy nhất có ở Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Tiến cũng giống như nhiều người thanh niên trẻ của làng Xuân La sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tò he nhiều đời. Ông nội mất sớm nên suốt quãng thời gian thơ ấu, anh thường sống cùng ông ngoại và bố mẹ.
Từ nhỏ, anh đã được ông ngoại dạy cho các kỹ thuật nặn tò he.Vài cục bột gạo xanh, đỏ, vàng qua những ngón tay tài hoa của ông ngoại đã biến thành những hình thù con giống ngộ nghĩnh. Những buổi cuối tuần, anh theo chân ông ngoại đi nặn tò hè bán dạo tại những con phố tấp nập đông đúc ở Hà Nội.
Say sưa ngắm nhìn ông nặn tò he, nghe tiếng cười trong trẻo, giòn tan không chỉ của của con trẻ được bố mẹ mua cho món đồ chơi độc đáo ấy, trong anh ngập tràn những giấc mơ gắn với niềm vui. “Từ đó tôi quyết định, trẻ con đã thích tò he như vậy thì không có lý gì nghề tò he không phát triển. Lớn lên, dù đã trải qua nhiều nghề, nhưng từ năm 2004 đến nay, tôi bám trụ với nghề tò he và muốn sau này có thể phát triển nghề, xây dựng làng nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa cho quê hương”, anh Tiến chia sẻ.
Với lịch sử hơn 300 năm, cùng với thăng trầm của đất nước nhưng tò he ngày càng yếu thế khi đứng cạnh những món đồ chơi hiện đại, đặc biệt là “cơn bão” đồ chơi Trung Quốc. Trong làng đa phần thợ nặn tò he là những cụ già tóc đã bạc phơ, còn nhiều thanh niên trẻ tuổi theo các nghề chạm khảm với mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, khi nhiều đồ chơi dân gian đang dần bị mai một, thì việc lưu giữ làng nghề đang là một nỗi trăn trở không chỉ các nghệ nhân già mà cả đối với lớp những người thợ trẻ.
Họ luôn luôn trăn trở, làm thế nào để những con tò he truyền thống "sống" được với cuộc sống đương đại? Ðể làm được điều đó, trước hết, phải giỏi tay nghề. Mà muốn giỏi nghề thì cần có sự đam mê, trí tưởng tượng, lòng say mê và tình yêu với các em nhỏ. Từ nắm bột gạo, người thợ làng Xuân La tạo ra cả... thế giới đầy mầu sắc, với đủ loại hình con giống, con giáp, hay các nhân vật trong phim, trong truyện cổ tích. Nhưng để cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập, tò he cần một cuộc “đổi mới” cả về hình thù và chất lượng.
Sau này, khi đem những con tò hè đến bán tại các công viên, Bờ Hồ, trẻ con yêu cầu nặn hình robot, siêu nhân, người nhện, các anh thợ Xuân La cũng mày mò tạo hình. Ngày xưa, nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp, trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt.
Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Do đó, tò he ngày xưa có thể ăn được nhưng hiện nay, nguyên liệu đã được điều chỉnh và phần lớn là dùng phẩm màu công nghiệp, bột nếp nguyên chất để tò hè dẻo, không bị nứt. Tuy nhiên, nhược điểm của tò he là không để được lâu, dễ bị mốc, bị hỏng, trẻ con không chơi được lâu và bố mẹ cũng e ngại không muốn cho con chơi.
Do đó, để tò he trở thành loại đồ chơi độc đáo, mở rộng ra thị trường cho trẻ em, cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật như: nguyên liệu có khả năng chống mốc, giữ độ ẩm cao, không độc hại với người sử dụng. Mọi người trong làng đã nghiên cứu và từng bước thử nghiệm chế biến nguyên liệu, pha trộn một số loại đất nặn để được lâu như đất sét nhật bản, đất sét thái và làm lên các bước chính bằng bột nặn cao cấp.