Chàng trai dân tộc Mông làm giàu với cây sơn tra
Anh Thào A Hồng là một trong những gương thanh niên nông thôn tiêu biểu được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2020.
Tập hợp người cùng chí hướng
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, anh Hồng về quê hương xã Long Hẹ công tác. Nhận thấy tình hình ở địa phương về nông nghiệp đang rất thuận lợi để phát triển cây sơn tra (táo mèo), anh Hồng đã vận động đoàn viên, thanh niên là những người học tại các trường đại học, cao đẳng về chưa xin được việc làm góp vốn, góp cổ phần để liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương.
Từ đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây dược liệu, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp bản Nặm Búa (gọi tắt là Hợp tác xã bản Nặm Búa) được thành lập vào ngày 3/4/2017. Trong đó, anh Hồng giữ chức vụ Giám đốc hợp tác xã.
Anh Thào A Hồng |
“Khi mới thành lập, hợp tác xã có 10 thành viên với tổng vốn góp là 300 triệu đồng. Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có trụ sở giao dịch, kho bãi để thu mua quả sơn tra. Các hoạt động của hợp tác xã chủ yếu là chăm sóc diện tích sơn tra đã trồng từ nhiều năm trước, hướng dẫn các thành viên kỹ thuật, tiếp cận các chính sách của tỉnh, huyện”, anh Hồng chia sẻ.
Mặt khác, người dân chưa hiểu hết giá trị kinh tế của việc trồng rừng bằng cây sơn tra. Diện tích trồng cây sơn tra của hợp tác xã lại nằm xen kẽ với nương ngô, lúa của người dân nên rất khó quản lý và bảo vệ. Các thành viên hợp tác xã phải đi từng gia đình vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và góp đất, góp vốn mở rộng diện tích trồng cây sơn tra.
Không chỉ vậy, anh Hồng còn chia thành viên trong hợp tác xã thành nhiều nhóm bao gồm các hộ có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm. Anh cũng cử thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm.
Với thuận lợi nhiều thành viên là đoàn viên, thanh niên vừa tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, cũng như vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được hợp tác xã chủ động giải quyết. Với hướng đi này, chỉ sau một năm hoạt động, hợp tác xã đã phát triển lên 122 thành viên đến từ nhiều bản trong xã Long Hẹ.
Tích cực học hỏi
Hiện nay, hợp tác xã có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất của huyện Thuận Châu với 177ha, trong đó 79ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, hợp tác xã trồng thí điểm 2ha cây sa nhân; gần 150ha cây thông; 10ha chanh leo; 5ha xoài và phát triển chăn nuôi, trâu, bò gần 200 con. Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, kinh doanh rau, củ, quả, nông sản.
Đoàn viên, thanh niên trong hợp tác xã chăm sóc cây trồng |
Hiện hợp tác xã thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi thành viên từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 20-25 lao động địa phương...
Tuy là hợp tác xã đầu tiên được thành lập ở xã vùng cao nhưng mô hình trồng cây sơn tra ở Hợp tác xã bản Nặm Búa bước đầu có hiệu quả; Mở ra hướng phát triển kinh tế mới từ việc trồng, chăm sóc theo quy trình, sơ chế bảo quản, đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nơi đây.
Theo anh Hồng, để có thành quả đó, bản thân anh và các thành viên trong hợp tác xã luôn phải tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức. Các anh cũng năng động tìm tòi mô hình, cách thức để phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo cho bản thân, gia đình và tổ chức nơi đang sinh hoạt.
“Tích cực, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, sợ khổ là những điều kiện đầu tiên để thanh niên khởi nghiệp. Mặt khác, người trẻ phải bám vào nhu cầu thực tiễn để xác định hướng đi”, anh Hồng tâm sự.
Anh Hồng cho biết thêm, hiện nay, thị trường ưa chuộng các sản phẩm vùng cao, sạch, đặc sản. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng rất tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế. Vì thế, đoàn viên thanh niên vùng cao nên mạnh dạn vay vốn về địa phương nuôi gà, trồng rau sạch, phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò... Từ đó, mỗi người trẻ sẽ làm giàu cho bản thân và góp phần phát triển địa phương.