Chàng trai Phú Xuyên thâu đêm phục dựng di ảnh liệt sĩ
Phục dựng ảnh liệt sĩ: Những bạn trẻ nối nhịp đoàn viên |
Tìm lại chân dung bị thời gian xóa nhòa
Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm, anh Phúc bắt đầu nhận phục dựng ảnh liệt sĩ để kịp trao tặng đến các gia đình đúng và kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Năm nay với hơn 3 tháng miệt mài làm việc anh phục dựng được gần 100 di ảnh liệt sĩ.
“Thường mình sẽ làm việc thâu đêm để phục dựng ảnh liệt sĩ. Công việc này cần sự tập trung cao độ nên khoảng thời gian về đêm yên tĩnh rất phù hợp”, anh Phúc cho biết.
Cơ duyên đưa anh Phúc đến với việc phục dựng ảnh liệt sĩ bắt nguồn từ chính câu chuyện thực tế ở gia đình. Anh theo nghề nhiếp ảnh đã gần 20 năm, ban đầu chỉ chụp ảnh sự kiện, hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, đã làm nghề nhiếp ảnh thì phải biết xử lý hậu kỳ để bức ảnh đẹp nhất phục vụ khách hàng nên anh Phúc mày mò học hỏi, nắm bắt các kỹ năng chỉnh sửa ảnh.
Anh Lê Văn Phúc (thứ ba từ trái sang) trao tặng ảnh đã được phục dựng tới gia đình liệt sĩ |
Hai năm đầu, anh Phúc phục dựng được số lượng nhỏ di ảnh liệt sĩ do có ít thời gian. Tuy nhiên, hai năm gần đây anh dành hẳn 3-4 tháng cho công việc này nên mỗi năm gần 100 bức di ảnh liệt sĩ được anh phục dựng. Tay nghề tốt, đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 anh làm công việc này hoàn toàn miễn phí nên ngày càng có nhiều gia đình tìm đến anh nhờ phục dựng di ảnh.
Lan tỏa việc làm ý nghĩa
Quy trình phục chế ảnh, bước đầu tiên là xóa mốc, ố, bụi trên ảnh, sử dụng máy quét cho ra ảnh kỹ thuật số, dùng các phần mềm đồ họa vẽ lại những chi tiết bị mất, bị mờ, cuối cùng là hoàn thiện màu sắc, tinh chỉnh từng chi tiết. Theo anh Phúc, cái khó của phục dựng di ảnh là nhiều bức do thời gian và quá trình bảo quản dẫn đến bị mờ và ố, rất khó nhận diện chân dung liệt sĩ.
Anh Lê Văn Phúc (thứ ba từ phải sang) trò chuyện cùng thân nhân gia đình liệt sĩ |
Nhiều bức ảnh thực chất là ảnh vẽ, không phải ảnh chụp bằng phim nên càng khó phục chế hơn. Có nhiều bức, anh và các cộng sự phải tìm cách cảm nhận, liên tưởng để hình dung ra khuôn mặt các liệt sĩ, đôi khi còn phải dựa vào mô tả và khuôn mặt của người thân để dựng lại khuôn mặt người đã khuất.
Những bức ảnh không quá phức tạp thì chỉ cần vài giờ đồng hồ là hoàn thành, song có bức ảnh phải làm đi làm lại 3-4 lần nên mất đến hàng tuần. Theo anh Phúc, quá trình làm, điều anh chú trọng nhất không phải độ đẹp mà phải giống nguyên bản hay thân nhân, quân phục phải chuẩn với từng thời kỳ từ màu sắc, quân hàm… đến cầu vai. Đây cũng là khó khăn anh gặp phải trong quá trình phục dựng di ảnh.
Vì thế, anh Phúc chịu khó tham khảo tài liệu, đến các bảo tàng, nhà nghiên cứu tìm hiểu để phục chế chính xác quân phục của các liệt sĩ theo từng thời kỳ. Chính sự tỉ mỉ đó khiến chất lượng ảnh phục dựng của anh được người trong giới đánh giá cao.
Phục dựng hàng trăm di ảnh liệt sĩ nhưng anh Phúc rất ít khi đi trao tặng. Tuy nhiên, có những kỷ niệm khiến anh không thể quên. “Mình nhớ năm 2022 có phục dựng ảnh của liệt sĩ Triệu Xuân Thiết thành viên của Tổ đặc công đánh cầu Hóa An trên sông Đồng Nai. Sau khi phục dựng ảnh và gửi tặng gia đình xong thì không chỉ người nhờ làm ảnh mà rất nhiều thành viên trong gia đình bình luận, nhắn tin cảm ơn. Thậm chí gia đình còn chạy xe máy từ Hưng Yên sang điểm xe buýt ở Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) để gửi chút bánh tẻ quê về Phú Xuyên tặng mình. Món quà tuy rất nhỏ bé nhưng mình cảm thấy được tình cảm ấm áp của gia đình liệt sĩ”, anh Phúc kể.
Anh Phúc cho biết thêm, tuy ít đến trực tiếp các gia đình để trao tặng di ảnh liệt sĩ đã được phục dựng nhưng rất nhiều người nhắn tin: “Bà em, bố em..... đã khóc khi được nhìn thấy ảnh của liệt sĩ nhà mình”. Điều đó, khiến anh thêm động lực, hứng thú với công việc “đi tìm lại chân dung đã bị thời gian xóa nhòa”. Nhu cầu của thân nhân liệt sĩ rất lớn, do vậy thời gian tới, anh sẽ tập trung đào tạo nhiều bạn trẻ nắm vững kỹ năng phục chế ảnh để chung tay thực hiện công việc nhiều ý nghĩa này.