Chàng trai “tô màu kí ức”
Chàng trai 9X và sản phẩm robot "made in Vietnam" |
Tỉ mỉ từng chi tiết
Thường anh Phúc sẽ làm việc thâu đêm để phục dựng ảnh liệt sĩ. Công việc này cần sự tập trung cao độ nên khoảng thời gian về đêm yên tĩnh rất phù hợp.
Cơ duyên đưa anh Phúc đến với việc phục dựng ảnh liệt sĩ bắt nguồn từ chính câu chuyện thực tế ở gia đình. Anh theo nghề nhiếp ảnh đã gần 20 năm, ban đầu chỉ chụp ảnh sự kiện, hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, đã làm nghề nhiếp ảnh thì phải biết xử lý hậu kỳ để bức ảnh đẹp nhất phục vụ khách hàng nên anh Phúc mày mò học hỏi, nắm bắt các kỹ năng chỉnh sửa ảnh.
Bên cạnh đó, gia đình anh có bác là liệt sĩ nhưng không có bức ảnh nào để thờ, thậm chí đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. “Tôi nghĩ chắc nhiều gia đình cũng trong hoàn cảnh tương tự và mong muốn có được bức ảnh chân thực để thờ. Từ đó tôi nhận phục dựng di ảnh liệt sĩ và muốn góp một chút công sức cho xã hội nói chung, gia đình, thân nhân liệt sĩ nói riêng”, anh Phúc chia sẻ.
![]() |
Anh Lê Văn Phúc được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024 |
Hai năm đầu, anh Phúc phục dựng được số lượng nhỏ di ảnh liệt sĩ do có ít thời gian. Tuy nhiên, ba năm gần đây anh dành hẳn 3-4 tháng cho công việc này nên mỗi năm 100 bức di ảnh liệt sĩ được anh phục dựng. Tay nghề tốt, đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 anh làm công việc này hoàn toàn miễn phí nên ngày càng có nhiều gia đình tìm đến anh nhờ phục dựng di ảnh
Theo anh Phúc, quy trình phục chế ảnh, bước đầu tiên là xóa mốc, ố, bụi trên ảnh, sử dụng máy quét cho ra ảnh kỹ thuật số, dùng các phần mềm đồ họa vẽ lại những chi tiết bị mất, bị mờ, cuối cùng là hoàn thiện màu sắc, căn chỉnh từng chi tiết. Cái khó của phục dựng di ảnh là nhiều bức do thời gian và quá trình bảo quản dẫn đến bị mờ và ố, rất khó nhận diện chân dung liệt sĩ.
Nhiều bức ảnh thực chất là ảnh vẽ, không phải ảnh chụp bằng phim nên càng khó phục chế hơn. Có nhiều bức, anh và các cộng sự phải tìm cách cảm nhận, liên tưởng để hình dung ra khuôn mặt các liệt sĩ, đôi khi còn phải dựa vào mô tả và khuôn mặt của người thân để dựng lại khuôn mặt người đã khuất.
![]() |
Anh Lê Văn Phúc thay mặt nhóm tình nguyện trao tặng ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gia đình |
Những bức ảnh không quá phức tạp thì chỉ cần vài giờ đồng hồ là hoàn thành, song có bức ảnh phải làm đi làm lại 3 - 4 lần nên mất đến hàng tuần. Theo anh Phúc, quá trình làm, điều anh chú trọng nhất không phải độ đẹp mà phải giống nguyên bản hay thân nhân, quân phục phải chuẩn với từng thời kỳ từ màu sắc, quân hàm… đến cầu vai. Đây cũng là khó khăn anh gặp phải trong quá trình phục dựng di ảnh.
Vì thế, anh Phúc luôn chịu khó tham khảo tài liệu, đến các bảo tàng, nhà nghiên cứu tìm hiểu để phục chế chính xác quân phục của các liệt sĩ theo từng thời kỳ. Chính sự tỉ mỉ đó khiến chất lượng ảnh phục dựng của anh được người trong giới đánh giá cao.
Hành trình chạm tới trái tim
Năm 2024, khi Thành đoàn Hà Nội phát động dự án phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố, anh Phúc đã kết nối tham gia với vai trò trưởng nhóm tình nguyện viên và người đồng sáng lập nhóm “Màu hoa đỏ” (nhóm dự án đưa công nghệ AI vào để hỗ trợ phục dựng ảnh của Thành đoàn Hà Nội). Từ đó, hành trình ý nghĩa bắt đầu sang một trang mới...
![]() |
5 năm qua hàng nghìn tấm ảnh đã được anh Lê Văn Phúc và các cộng sự phục dựng, trao tặng đến các gia đình |
Tới nay, anh Phúc và nhóm “Màu hoa đỏ” đã phục dựng và trao gần 200 di ảnh liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn cho hàng trăm bạn đoàn viên, thanh niên về công nghệ chỉnh ảnh, sử dụng AI nhằm phục vụ cho dự án.
Anh Phúc cho biết, sự phát triển của công nghệ đã mang đến những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực phục dựng ảnh so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, dù công nghệ số AI có hiện đại thì nếu không có sự hiện diện của con người những bức ảnh sẽ không tạo cảm xúc và chạm đến trái tim của mỗi con người.
Đối với anh Phúc, đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động. Trong đó, kỷ niệm về dự án phục dựng ảnh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma và trao tận tay cho các gia đình những bức ảnh liệt sĩ được phục dựng đã để lại những cảm xúc đặc biệt.
“Nhóm dự án đã đến với gia đình liệt sĩ Trần Văn Phòng (quê Thái Bình). Khi nghe tin nhóm mang ảnh con đến, mẹ của liệt sĩ đã đợi từ lâu. Bà xúc động nói: “Họ đã mang con trai về bên mẹ, trẻ trung, đẹp đẽ như ngày con tạm biệt mẹ lên đường làm nhiệm vụ”.
![]() |
Lê Văn Phúc trao tặng ảnh liệt sĩ đã được phục dựng đến gia đình |
Một kỷ niệm khác tôi không quên là hình ảnh của cô Mai Thị Đào, em gái liệt sĩ Mai Văn Tuyến (quê Thái Bình) ôm di ảnh anh trai và bật khóc. Tất cả những người anh, em trong gia đình đều rưng rưng nước mắt. Những khoảnh khắc đó đã ghi sâu vào tâm trí tôi”, anh Phúc kể.
Không chỉ vậy, rất nhiều người được anh Phúc và các cộng sự phục dựng ảnh đã nhắn tin: “Bà em, bố em... đã khóc khi được nhìn thấy ảnh của liệt sĩ nhà mình”. Điều đó, khiến anh thêm động lực, hứng thú với công việc “đi tìm lại chân dung đã bị thời gian xóa nhòa”.
Những ngày tháng tư lịch sử này, anh Phúc và các cộng sự vẫn miệt mài công việc hỗ trợ phục dựng ảnh liệt sĩ. Công việc này đã được anh thực hiện suốt 5 năm qua và đến nay đã có hàng nghìn bức ảnh liệt sĩ trao tặng từng thân nhân, gia đình liệt sĩ ở quê nhà. Đằng sau mỗi bức ảnh là tâm huyết, tri ân đến những thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
“Thế hệ cha anh đã hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc. Tôi là một người trẻ, được sống trong thời bình, luôn mong muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa, báo đáp công ơn của các thế hệ đi trước”, anh Phúc tâm sự.
Anh Lê Văn Phúc không chỉ là Trưởng nhóm Tình nguyện viên, người đồng sáng lập nhóm “Màu hoa đỏ” - nhóm dự án đưa công nghệ AI vào để hỗ trợ phục dựng ảnh của Thành đoàn Hà Nội mà còn là Phó trưởng nhóm phục dựng ảnh Skyline. Anh là một trong những người tiên phong với ý tưởng phục dựng ảnh và trao tặng ảnh liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ năm 2020 đến nay, anh đã phối hợp phục dựng hơn 7.000 ảnh liệt sĩ trên cả nước. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Tuổi trẻ Thủ đô thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ

“Giải phóng tư duy” để vươn mình bứt phá

Tái hiện Đại thắng mùa Xuân năm 1975 bằng công nghệ thực tế ảo

Thanh niên Thủ đô tiên phong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”

Hồi ức "thời hoa lửa" và lời hứa thế hệ trẻ

Nữ cán bộ Đoàn 9X tài năng phát biểu truyền cảm hứng

Tạo niềm tin ở Nhân dân bằng hành động

Nửa thế kỷ tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh sát cánh cùng dân tộc
