Chàng trai trẻ đưa tương Bần đi muôn phương
Sau những lần “nếm trái đắng”...
Tốt nghiệp trường Đại học Thương mai, anh Lập may mắn xin được việc làm ngay đúng với chuyên ngành đã đào tạo. Công việc thuận lợi, anh cũng có nhiều cơ hội thăng tiến. Với nhiều người có một công việc “an nhàn, sạch sẽ” thế là đủ nhưng anh Lập luôn khao khát làm hơn thế.
“Nếu cứ mãi làm thuê, mình sẽ không tạo được cái gì riêng của bản thân. Mình muốn làm gì đó thử thách năng lực bản thân, tạo ra giá trị riêng”, anh Lập tâm sự.
Nghĩ là làm, anh tìm hiểu nhiều sản phẩm kinh doanh nhưng lại quyết định bắt đầu với tương Bần, đặc sản nổi tiếng của quê hương Mỹ Hào, Hưng Yên. Từ xa xưa tương Bần là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua.
Anh Nguyễn Đình Lập với sản phẩm tương Bần |
Từ thời ông bà, nhà anh Lập đã có truyền thống làm tương nhưng nhỏ lẻ chỉ phục vụ trong gia đình. Vì thế, khi chọn hướng đi sản xuất và kinh doanh tương Bần anh hoàn toàn phải từ mày mò, học hỏi. Anh muốn làm số lượng lớn đưa đến tay người tiêu dùng nhưng phải giữ nguyên hương vị truyền thống tương Bần cha ông để lại.
“Chưa có kinh nghiệm lại làm số lượng lớn nên không ít lần mình phải đổ bỏ sản phẩm vì không như ý muốn. Thậm chí, có lần mình phải bỏ đi mất 50 chum tương (loại 100L). Sợ người thân, hàng xóm chê cười, mình lầm lũi mua cát về chôn sâu tránh gây mùi ảnh hưởng đến người xung quanh”, anh Lập kể.
Sau không ít lần “nếm trái đắng” cuối cùng anh Lập cũng đã tạo ra những mẻ tương như ý. Tuy nhiên, anh lại phải đối diện với khó khăn khác chính là đầu ra cho sản phẩm. Tương Bần là một thức chấm đặc biệt nhưng không phải người nội trợ nào cũng biết đến. Hơn nữa nó cũng không được sử dụng thường xuyên như nước mắm, mì chính. Làm thế nào để quảng bá sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng là bài toán anh Lập phải tìm câu trả lời.
... hương vị truyền thống được lưu giữ
Vận dụng kiến thức được học ở trường cũng như kinh nghiệm thực tế, anh Lập quyết định thành lập một đội ngũ chuyên làm về thị trường. Tuy nhiên, hai năm đầu anh vẫn phải bù lỗ. Khó khăn nhưng không bỏ cuộc đã giúp anh dần được thu trái ngọt khi từ năm thứ tư việc sản xuất, kinh doanh đã có lãi.
Tương Bần được ủ trong chum sành |
“Mình luôn ý thức, muốn giữ chân khách hàng chất lượng sản phẩm phải là yếu tố hàng đầu. “Tương Bần Dũng Lập” được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công, không sử dụng bất kỳ loại phụ gia công nghiệp nào. Tương được ủ trong chum sành rồi đem ra phơi nắng đến 60 ngày nên thơm ngon, béo ngậy”, anh Lập chia sẻ.
Cũng theo anh Lập, nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đặc trưng đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và bí quyết của từng gia đình. Phải mất ít nhất một đến hai tháng người thợ mới cho ra được một mẻ tương Bần. Tuy nhiên, thời gian lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào thời tiết có nắng hay không. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối cùng 3 công đoạn chính: Lên mốc xôi nếp - ngả đỗ và phơi tương (ủ tương) là đã có thể làm ra một mẻ tương.
Với nhà xưởng sản xuất rộng hơn 2000m2, “Tương Bần Dũng Lập” được tiêu thụ khắp cả nước mang về cho anh doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 4-6 lao động địa phương.
Tuy nhiên dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hầu hết người sản xuất, kinh doanh, trong đó có xưởng sản xuất của anh Lập, khiến doanh thu sụt giảm. Với tinh thần vượt khó anh vẫn nỗ lực duy trì việc sản xuất, chuyển đổi phương thức bán hàng.
“Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm tương Bần qua các lễ hội đền chùa rất tốt. Dịch kéo đến khiến mình mất kênh bán hàng này. Bên cạnh đó là khó khăn về khâu vận chuyển… Tuy nhiên, mình sẽ nỗ lực tăng cường kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm qua điện tử, tiếp tục duy trì sản xuất cũng như việc làm cho công nhân, cùng cả nước vượt qua khó khăn do dịch bệnh”, anh Lập tâm sự.