Chất lượng giáo dục, đào tạo của Thủ đô có sự chuyển biến mạnh mẽ
Quy mô tiếp tục mở rộng và phát triển
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướngxã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của Thủ đô đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; Đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, phát triển và nhu cầu học tập của Nhân dân.
Thành phố đã hoàn thành phê duyệt, ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc TP được triển khai thực hiện quả.
Hà Nội thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt |
Thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; Có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; Bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; Chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; Là 1 trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đến năm học 2022 - 2023, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế). Thống kê từ năm học 2014 - 2015 đến tháng 3/2023, học sinh Hà Nội đạt được tổng số 1.249 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia; 124 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.
Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; Nền nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được mở rộng. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Theo số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp. Về quy mô các trường trung học phổ thông công lập, đến năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023 - 2024); Đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023 - 2024); Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023 - 2024).
Triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đổi mới, toàn diện giáo dục, đào tạo của Thủ đô vẫn còn hạn chế. Cụ thể, khoảng cách phát triển, chất lượng giáo dục giữa các trường quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến một số nơi còn có tình trạng thiếu trường học. Một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường. Trong khi đó, công tác công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia cũng còn hạn chế. Việc tổ chức mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 một số nơi còn chậm...
Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học sinh, đặc biệt là trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn; Chưa thiết lập được mạng lưới kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng học sinh toàn ngành.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” |
Thời gian tới, Hà Nội xác định thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, TP tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Đồng thời, TP triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Hiện, TP đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương. Trong đó, TP kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP kiến nghị nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mỗi cơ sở giáo dục được bố trí không quá 2 cấp phó; Theo đó, nên quy định số lượng cấp phó theo quy mô số lớp và đặc thù riêng của mỗi cơ sở giáo dục...