Chênh lệch tăng cao, vàng có bị "thổi giá" trong ngày Thần Tài?
Nhiều người dân mua vàng ngày Thần Tài với hy vọng được may mắn cả năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bài liên quan
Giá xăng có thể tăng vào chiều mai 15/2
Giá hoa hồng, socola tăng mạnh trong ngày Lễ Tình nhân
Chùm ảnh: Người dân xếp hàng mua vàng cầu may ngày vía Thần Tài
Chi hơn 1.600 tỷ đồng bình ổn giá xăng dầu năm 2018
Sửa đổi, bổ sung quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt
Có thương hiệu chênh 800.000 đồng/lượng
Theo bảng giá của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vào thời điểm lúc 14 giờ, thương hiệu SJC tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được giao dịch phổ biến từ 36,55-37,00 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Còn tại Phú Quý, giá vàng Thần Tài Phú Quý 9999 được doanh nghiệp này mua vào là 36,60 triệu đồng/lượng và bán ra là 37,20 triệu đồng/lượng. Trong khi thương hiệu Nhẫn tròn Phú Quý 9999 niêm yết từ 36,80-37,20 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu giao dịch vàng Rồng Thăng Long từ 36,45-37,30 triệu đồng/lượng.
Nếu nhìn vào giá bán ra tại các doanh nghiệp này thì giá bán ra rất ít biến động so với chốt phiên trước.
Tuy vậy, khi so sánh giữa giá mua vào/bán ra thì lại thấy rất rõ, chênh lệch đang bị đẩy lên rất cao, có thể lên đến 700.000-800.000 đồng/lượng, cao gấp đôi so với ngày bình thường.
Đơn cử, vàng Rồng Thăng Long đang có mức chênh lệch là 850.000 đồng/lượng (cao hơn 150.000 so với đầu giờ sáng và tăng 400.000 đồng/lượng so với phiên trước đó).
Tương tự, giá mua/giá bán vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng tăng 250.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Trong khi mức chênh của thương hiệu Thần Tài Phú Quý 9999 đang là 600.000 đồng/lượng, cao hơn phiên trước khoảng 150.000 đồng/lượng.
Khách chủ yếu mua số lượng nhỏ
Theo thống kê của nhiều công ty kinh doanh vàng trong nước, lượng khách hàng giao dịch ngày Vía Thần Tài tăng từ 20-40% so với ngày thường và lượng khách đến để mua vàng là chủ yếu.
Việc nới rộng giá mua và bán trong ngày vía Thần Tài cũng được lý giải là do nhu cầu của người dân tăng đột biến so với ngày bình thường.
Thông tin thêm về việc này, ông Phạm Hải Âu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý cho rằng, cần phân biệt giữa việc mua trong ngày vía Thần Tài để lấy may và việc mua vàng để kinh doanh.
Theo đó, số lượng khách hàng đến giao dịch ngày Thần Tài dù rất đông nhưng lượng mua lại rất thấp, chủ yếu mua một mặt hàng nào đó để biểu tượng lấy may mắn, trong khi ngày thường, một khách hàng có thể mua 10 lượng đến 100 lượng.
Khách đến mua vàng ngày Thần Tài chủ yếu với số lượng nhỏ để lấy may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
“Cần phải hiểu là giá sản phẩm khách hàng mua thì trong đó có phần tiền công, song khi mua lại thì công ty không tính tiền công vào nữa, nên khách hàng thường có cảm giác đấy là giá mua/giá bán bị chênh và Công ty đã tập trung truyền thông để khách hàng hiểu hơn vấn đề này," ông Âu nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, tất cả các thương hiệu vàng trong nước ngày hôm nay đều nới rộng chênh lệch giá mua/giá bán.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Luyến, Quyền Trưởng phòng kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu khẳng định, nhu cầu mua vàng của người dân trong ngày vía Thần Tài là nhu cầu thực tế, bởi lẽ có khách hàng đến xếp hàng từ 3-4 giờ sáng với mong muốn trở thành người đầu tiên mua được vàng trong ngày này.
Đặc biệt, theo đại diện Công ty này, khách hàng đến mua chủ yếu với số lượng nhỏ để lấy may trong ngày Thần Tài, do đó kết thúc một năm số vàng trên mới có thể trao đổi và mua bán lại.