Chiêm ngưỡng văn miếu Sơn Tây - biểu tượng đất học xứ Đoài
Tự hào truyền thống đất học xứ Đoài
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), xứ Đoài là một danh xưng chỉ một không gian tương đối rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, về đại thể tương ứng thừa tuyên Sơn Tây thời Lê Thánh Tông.
Vùng đất này được hình thành khá sớm do quá trình bồi tụ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Từ thời đồ đá trên vùng đất này đã tìm thấy dấu vết cư trú của người cổ. Xứ Đoài là cái nôi của nền văn minh Việt cổ, là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu.
Văn miếu Sơn Tây là biểu tượng cho truyền thống hiếu học xứ Đoài |
Khi quốc gia Âu Lạc bị mất chủ quyền, người Việt đã kiên cường đứng lên đấu tranh giành lại độc lập. Cuộc khởi nghĩa mở đầu cho công cuộc chống Bắc thuộc, làm chấn động cả Giao Châu do Hai Bà Trưng lãnh đạo cũng dấy lên từ xứ Đoài. Trên vùng đất địa linh - nhân kiệt này, tiếp nối truyền thống anh hùng của Trưng nữ vương còn có những thủ lĩnh ghi danh vào lịch sử thời kỳ chống các chính quyền đô hộ phương Bắc như Lý Bí , Phùng Hưng và đặc biệt, Sơn Tây còn là quê hương của vị anh hùng trung hưng nước Việt Ngô Quyền.
"Xứ Đoài còn là một vùng đất văn vật với nhiều hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử" - GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh - "Đây là quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh, Khuất Duy Tiến…
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh được khắc tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sơn Tây là nơi nổi lên những dòng họ danh tiếng như họ Ngô (Ngô gia văn phái), họ Phan (Sài Sơn), họ Phùng (Đường Lâm), họ Đặng (Chương Mỹ)… Sơn Tây - Xứ Đoài vốn là đất học với nhiều nhà khoa bảng lừng danh. Trên đất Sơn Tây còn cả một Văn miếu, dấu tích của một thời vẻ vang".
Thăm văn miếu trên đất Sơn Tây
Văn Miếu Sơn Tây đã từng được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại làng Cam Thịnh, đến đời vua Thiệu Trị 1847 thì lại được dời về xây tại làng Mông Phụ (Cam Giá Thịnh). Đời vua Thành Thái năm thứ 3 thì được xây lại lần thứ ba tại đất Văn Miếu ngày nay. Công trình được khánh thành vào năm 1892.
Theo một số tài liệu để lại, đây là công trình tiêu biểu về văn hóa, tâm linh, có quy mô bề thế và mang tầm quan trọng giống như Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Mao Điền (Hải Dương), Bắc Ninh và một số nơi khác.
Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng trên một khu đất rộng, hình chữ nhật, xung quanh có tường xây bằng gạch đá ong bao quanh, nhìn về hướng Nam nơi có dòng Tích giang thơ mộng chảy qua. Toàn bộ di tích được dàn trải trên một trục thần đạo với nhiều hạng mục bề thế uy nghiêm chạy dọc theo hướng Bắc - Nam.
Các công trình được xây dựng bằng chất liệu gạch đá ong, một chất liệu truyền thống của xứ Đoài nên mang một vẻ đẹp riêng hiếm có. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và xã hội nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng.
Căn cứ vào các tài liệu gốc còn lại về Văn Miếu Sơn Tây cũng như tham khảo các di tích Văn Miếu ở các địa phương khác. Năm 2008, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành của thị xã phối hợp với các cấp, ngành liên quan thiết kế, lập dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Sơn Tây.
Đến nay, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây đã được phục dựng trên khu đất cũ của di tích, với tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32. Bao gồm các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo là trục bắc - nam, hướng vào chính là ở hướng Nam như: Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện, Đại Bái đường, Đền Khải thánh, sân lễ hội, phía trước là hồ sen, xung quanh là vườn cây xanh.
Toàn cảnh Văn miếu Sơn Tây |
Vào đầu năm 2018, UBND thị xã Sơn Tây đã bàn giao di tích lịch sử Văn Miếu, xã Đường Lâm cho Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm trực tiếp quản lý. Di tích Văn Miếu sẽ tạo ra một điểm tham quan, nghiên cứu, góp phần khẳng định, chứng minh một địa chỉ tiêu biểu của kho bảo tàng văn hóa xứ Đoài, giáo dục, tôn vinh truyền thống hiếu học cho các thế hệ.
Hiện tại, ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm), dân làng vẫn còn gìn giữ được hai chiếc khánh (một chiếc bằng đồng, một chiếc bằng đá) để ở nhà tả - hữu mạc và 9 tấm bia đá là hiện vật được thu thập từ Văn Miếu Sơn Tây. Vào năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.