Chiết khấu sách giáo khoa: Hiểu sao cho đúng?
Ảnh minh họa |
Khoản chi được kê khai với Cục Quản lý giá
Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023 đối với cách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Thông tin trên được đề cập tại kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.
Một số ý kiến đặt câu hỏi vì sao nhà xuất bản lại có mức chiết khấu này? Liệu có phải một dạng “hoa hồng” không?
Thực tế, chiết khấu được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần chi phí này dùng để chiết khấu lại cho các đại lý cấp dưới; chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.
Theo thông tin của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong văn bản kê khai giá SGK của các nhà xuất bản gửi Bộ Tài chính, có hai văn bản gồm: Bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán SGK. Các khoản chi trong bảng kê khai giá của các nhà xuất bản bao gồm: Chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của nhà xuất bản...
Trong phương án kê khai giá của các nhà xuất bản gửi Bộ Tài chính có mục chi “Chiết khấu phát hành” kết cấu vào chi phí để xác định giá SGK. Tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có quy định hạch toán chi chiết khấu thương mại của doanh nghiệp, là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Các nhà xuất bản chủ động xây dựng giá bán; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Ảnh minh họa |
Nhà xuất bản Giáo dục giải trình gì?
Sau khi đoàn giám sát có những nhận định bước đầu về chiết khấu SGK, Nhà xuất bản Giáo dục đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ.
Theo giải trình của Nhà xuất bản Giáo dục, mức chi phí phát hành trong nội dung nêu trên là chi phí cho khâu lưu thông, cung ứng, triển khai thị trường… đối với SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chi phí này được cấu thành bởi hai khoản mục: Chi phí phát hành (chiết khấu) và chi phí triển khai thị trường bao gồm tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn sử dụng SGK mới…
Trong đó, chiết khấu là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách từ kho của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước. Chi phí phát hành bao gồm: Chi phí thuê kho bãi, chi phí vận chuyển – bốc xếp hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ…
“Chiết khấu đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 là 23% giá bìa. Năm học 2022-2023 giảm xuống còn 22,5% giá bìa. Năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 21% giá bìa”, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết.
Còn chi phí triển khai thị trường chỉ xuất hiện đối với SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong bối cảnh một chương trình nhiều SGK. Chi phí này bao gồm các khoản chi cho công việc: Hội thảo giới thiệu sách tại địa phương, tập huấn sử dụng SGK, tuyên truyền, quảng cáo… Chi phí triển khai thị trường đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021 là 6% giá bìa. Năm học 2022-2023 giảm xuống còn 5,5% giá bìa. Năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 5% giá bìa.
Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy vào tháng 6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin về chi phí bán hàng của Nhà xuất bản Giáo dục trên cơ sở báo cáo của đơn vị này. Theo đó, chi phí bán hàng của công ty gồm: lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác.
“Trong đó, chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn SGK, chi phí tặng sách, phí phát hành khen thưởng sách tham khảo cho các đại lý, công ty sách...) năm 2020 là 29,7 tỉ đồng và năm 2021 là 24,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Ảnh minh họa |
Như vậy, có thể thấy chiết khấu không phải là một dạng “hoa hồng” khi phát hành sách giáo khoa. Ngược lại, đây là chi phí được hạch toán đầy đủ trong các báo cáo tài chính và được kê khai rõ ràng với Cục Quản lý giá để phục vụ cho công tác phát hành sách đến tay người tiêu dùng.
Để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị công ty sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Đồng bằng sông Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Chiết khấu lưu thông của Nhà xuất bản Giáo dục trong bảng kê khai giá năm 2023 là 21%, giảm 1,5% so với năm trước.
“Để giảm được tỉ lệ này, Nhà xuất bản Giáo dục đã phải vận động hệ thống đối tác phát hành, các đại lý chia sẻ. Bởi vì thật sự hệ thống đại lý không mặn mà với việc phát hành sách giáo khoa vì chi phí nhiều như vận chuyển nhỏ lẻ, đóng gói... nên tỉ suất lợi nhuận thấp. Điều này cũng gây ra tình trạng thiếu sách giả tạo trên thị trường. Sách có trong kho nhà xuất bản mà đại lý không nhận hàng”, một chuyên gia phát hành chia sẻ.