Chính sách thuế, phí: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quan trắc môi trường Sáng kiến bảo vệ môi trường của cán bộ Hội nhiệt huyết |
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, xanh hóa nhà xưởng… |
Đưa vào Luật bảo vệ môi trường
Theo quy định, thuế môi trường thu đối với sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Ở nước ta, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Việt Nam trở thành nước tiên phong trong khu vực Đông Nam Á đánh thuế môi trường với 8 mặt hàng chịu thuế là xăng dầu mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông và 4 dạng thuốc thuộc loại hạn chế sử dụng là thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho.
Ở Việt Nam, nếu thuế Bảo vệ môi trường chủ yếu là loại thuế gián thu hướng đến sản phẩm gây tác động xấu về môi trường khi sử dụng (người tiêu dùng phải nộp thuế) thì phí bảo vệ môi trường lại là nguồn phí trực thu, đánh trực tiếp vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất (người sản xuất phải nộp thuế).
Phí môi trường được tính dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu gây ô nhiễm, tổng doanh thu hoặc tổng sản lượng hàng hóa, lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay ở nước ta đang áp dụng một số loại phí: vệ sinh môi trường; bảo vệ môi trường đối với nước thải; bảo vệ môi trường đối với chất thải và phế liệu; bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật Bảo vệ môi trường mới nhất đề ra lộ trình 5 năm để thực hiện việc thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại trước ngày 1/1/2025.
Nói về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, dư luận quan tâm; đặc biệt là các quy định phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định về quản lý chất thải sinh hoạt là nội dung mới rất tiến bộ và đồng ý phải có quy định khuyến khích, tạo điều kiện thu gom, phân loại rác sinh hoạt…
Thuế phí giúp tái đầu tư cho bảo vệ môi trường
Có thể nói, vấn đề thu thuế, phí bảo vệ môi trường đang rất được nước ta quan tâm và được bàn đến trong các cuộc họp cấp cao.
Trong một cuộc họp Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thì 1 năm thu được khoảng 15.189 tỷ giúp cho đầu tư để xử lý vấn đề môi trường. Vấn đề môi trường rất lớn, chúng ta đang đứng trước những vấn đề. Công cụ thuế này một mặt tạo nguồn thu để xử lý vấn đề môi trường, một mặt là công cụ để giảm được ô nhiễm môi trường thông qua việc xử lý đối với những sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường.
Lưu ý không thu cái này để chi tiêu chỗ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tiền thu được về bảo vệ môi trường đưa vào ngân sách phải chi trở lại để cho bảo vệ môi trường, xử lý những ô nhiễm môi trường đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành theo tinh thần Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông để hiểu theo đúng ý nghĩa này.
Thực tế cho thấy, các quy định của chính sách thuế hiện hành đã có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường. Các khoản thu thuế bảo vệ môi trường góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, dùng để chi cho đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Bên cạnh những chuyển biến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đặt ra cấp thiết khi sự tăng trưởng của nước ta khiến các-bon tăng cao, trở thành áp lực với môi trường, tăng khí thải, ô nhiễm tiếng ồn và gặp vấn đề trong xử lý chất thải rắn và nước thải.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chạy theo mục tiêu lợi nhuận, cố tình bỏ qua những tác hại đối với môi trường, trong khi đó chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Các ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực tế, tuy có nhiều chương trình hành động về “nói không với rác thải nhựa, túi ni lông, người tiêu dùng cũng đã sử dụng túi ni lông ít hơn; thậm chí có những “trào lưu” không sử dụng ống hút nhựa, thay bằng nguyên liệu thân thiện như tre, gạo…; các siêu thị, trung tâm thương mại không dùng túi ni lông cho khách, tính phí túi đối với khách hàng có nhu cầu sử dụng túi ni lông… nhưng, hầu hết doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ kinh doanh cá thể vẫn cung cấp túi ni lông, ống hút, cốc nhựa cho khách hàng, vì họ sợ… mất khách. Bên cạnh đó, sản phẩm thay thế túi nilong còn hạn chế. Thực tế này gây khó khăn trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa.
Tăng cường hiểu biết và thực hành của cộng đồng
Ở góc độ doanh nghiệp và toàn xã hội, nhìn nhận về vai trò của chính sách thuế trong việc bảo vệ môi trường còn mờ nhạt, do vậy, trong chính sách và hoạt động triển khai chính sách, mặc dù đã có hướng đến mục tiêu này, nhưng cách hiểu và thực hiện của cộng đồng xã hội còn chưa triệt để.
Chính vì vậy, cần thiết phải đưa ra và thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Theo đó có thể: Áp dụng chế độ ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp có hoạt động bảo vệ môi trường: Tập trung các biện pháp ưu đãi đối với thuế trực thu trong việc khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường; Tập trung ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm... Việc ưu đãi thuế trực thu này xuất phát từ cách tiếp cận về tác động khích lệ trong lý thuyết kinh tế học; Thuế trực thu có liên quan trực tiếp tới lợi nhuận, lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp và ưu đãi này ngầm định khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề chống ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, có thể áp dụng các biện pháp như: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý chất thải, ô nhiễm; khuyến khích các doanh nghiệp xử lý chất thải bằng cách cho tăng gấp đôi chi phí xử lý chất thải khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy được tác dụng như mong muốn, cần quy định rõ một số vấn đề như: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải và gắn với nó - những chi phí nào sẽ được tính trừ.
Nhìn chung, ở nước ta, bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, chính phủ cũng đã thông qua nhiều Luật, quy định và nghị định cụ thể để bảo vệ môi trường để nỗ lực hướng tới một nền kinh tế xanh, sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong nỗ lực đó, rất cần sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc thực hiện chính sách thuế và phí cùng với đó là ý thức bảo vệ môi trường từ mỗi người dân.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |