Sáng kiến bảo vệ môi trường của cán bộ Hội nhiệt huyết
“Tôi chọn hành tinh xanh” - tiếng nói của trẻ em Việt Nam về môi trường Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh Phát huy liên kết "4 nhà" trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn |
Nâng cao ý thức người dân
Theo chị Na, khi xã Ninh Sở thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, vấn đề môi trường được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, người dân thường xuyên phản ảnh về việc rác thải để ngoài đường, nhất là mùa hè nắng nóng bốc mùi do công nhân vệ sinh môi trường chưa kịp mang đi. Bên cạnh đó, động vật tha cắn bừa bãi làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
“Trước thực tế đó, mình tham khảo cách làm ở một số huyện bạn và trên mạng xã hội để tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhận thấy mô hình đặt thùng rác có nắp đậy ở các thôn, xóm rất thiết thực và đảm bảo vệ sinh chung nên mình đã đề xuất với Đảng ủy - UBND xã tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng đóng góp mua thùng đựng rác”, chị Na chia sẻ.
Chị Phạm Thị Ly Na (bên trái) hướng dẫn các hộ dân sử dụng thùng rác |
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ ngay việc làm này. Có người không chịu mua thùng rác, nhiều gia đình không còn chỗ để rác như cũ nên cảm thấy khó chịu…
Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Sở, chị Na kiên trì vận động hội viên tham gia. Ban đầu, chị vận động từng thôn mua thùng rác có nắp đậy. Khi hiệu quả của mô hình được chứng minh, tới năm 2017 chị vận động từng ngõ xóm mua thùng rác.
Đến nay nhiều ngõ xóm đã mua được thùng rác và có những ngõ người dân còn lắp đặt camera giám sát xem có để rác đúng nơi quy định. Đây chính điểm sáng tạo của chị em hội phụ nữ với quyết tâm giữ đường làng ngõ xóm thật sạch đẹp. Vì vậy, họ quyết định tiết kiệm tiền đi chợ hàng ngày để chung nhau mua camera cho xóm .
Từ khi có camera giám sát, nếu thấy gia đình nào còn để rác ở đường ngõ hoặc không mua thùng đựng mà lại bỏ vào thùng nhà người khác thì chính hàng xóm sẽ nhắc nhở và đề nghị thực hiện đúng quy định. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, ý thức người dân thay đổi rõ rệt.
Chị Phạm Thị Ly Na cùng các hội viên trồng cây xanh, làm đẹp đường làng, ngõ xóm |
“Đến nay mô hình thùng rác có nắp đậy hộ gia đình đã đạt 95%. Mô hình thùng rác ngõ, xóm đạt khoảng 80%. Dự kiến trong năm 2021, chúng mình sẽ vận động 100% các ngõ xóm mua thùng rác có nắp đậy để bảo đảm vệ sinh môi trường chung trong toàn xã”, chị Na cho biết.
Đáp ứng nhu cầu hội viên
Với sự nỗ lực bền bỉ của chị Na và các hội viên, thành quả mô hình mang lại là vệ sinh môi trường được đảm bảo và ý thức người dân nâng cao. Về Ninh Sở hôm nay, điều dễ nhận thấy các tuyến đường trong thôn đã xuất hiện những thùng rác bằng nhựa có nắp đậy sạch sẽ, đặt ngay ngắn dọc theo những con ngõ. Trong thôn không còn tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi ra đường. Vì vậy, mô hình được bà con nhân dân ngợi khen.
Chị Na nhớ những ngày đầu mới đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Sở với tâm trạng vô cùng lo lắng. “Mình thấy sợ và luôn đặt câu hỏi liệu bản thân có làm tốt không. Tuy nhiên, khi đó mình cũng nghĩ nếu thực sự tâm huyết với công việc sẽ gặt hái được kết quả xứng đáng”, chị Na tâm sự.
Với sự sáng tạo, chị Na thu hút nhiều hội viên đến với các hoạt động của Hội |
Để biến quyết tâm thành hiện thực, chị Na học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đồng thời tìm tòi, sáng tạo trong cách làm riêng. Đặc biệt, chị tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em để có các hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi.
Đối với các bạn trẻ trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên, chị Na cùng Ban Chấp hành Hội xây dựng các mô hình câu lạc bộ nhằm thu hút chị em tham gia như: Thành lập câu lạc bộ jumba, trang điểm… Các buổi sinh hoạt chú trọng nội dung về cách xây dựng một gia đình hạnh phúc, cách khiến chị em luôn trẻ đẹp, “nghệ thuật” làm dâu, làm mẹ…
Đối với phụ nữ trung niên, chị cùng Ban Chấp hành mở các câu lạc bộ yoga, văn hoá văn nghệ, hướng dẫn một số việc làm tại nhà, tăng thu nhập; Đồng thời mời giảng viên về tuyên truyền, tư vấn về các vấn đề xã hội, pháp luật. Hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại và kỷ niệm ngày cưới cho hội viên…
Bên cạnh đó, chị Na vận động gia đình hội viên hiến đất làm đường, trồng đường hoa, biến 12 điểm rác thải thành vườn hoa. Đặc biệt, chị vận động cán bộ hội viên thực hiện mô hình “Nuôi 40 con lợn nhựa”, tiết kiệm được 170 triệu đồng cho hội viên vay không lấy lãi phát triển kinh tế gia đình.
Với sự thiết thực, hiệu quả, các hoạt động của Hội Phụ nữ xã Ninh Sở ngày càng thu hút chị em tham gia. Đặc biệt, chị Na là cán bộ Hội trẻ nhưng nhận được sự tín nhiệm lớn từ hội viên.
Chị Na cũng được các cấp, ngành ghi nhận với nhiều danh hiệu và bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, chị là một trong những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Danh hiệu cán bộ Hội cơ sở tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020.
“Điều khiến mình tự hào nhất không phải là những tấm bằng khen, giấy khen mà chính là sự tín nhiệm của các hội viên. Đó cũng là thành công lớn nhất của mình khi đã trải qua 7 năm công tác Hội từ cơ sở đi lên”, chị Na tâm sự.
Đây cũng là động lực để thời gian tới chị cố gắng hơn trong công việc với nhiều ý tưởng tưởng sáng tạo, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.