Nét văn hóa chợ truyền thống Hà Nội
Cách chợ truyền thống vừa kinh doanh, vừa phòng dịch |
Từ xa xưa, bao quanh và đan xen vào giữa các phố phường Hà Nội là một mạng lưới chợ vô cùng đa dạng. Lâu đời nhất trong số đó là chợ Đồng Xuân, xưa có tên là chợ Mới. Năm 1889, khi người Pháp kiên cố hóa khu chợ bằng gạch và khung sắt, chợ Mới được đổi tên thành chợ Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân thời thập niên 60 của thế kỉ trước |
Năm 1946, cuộc chiến đấu quyết liệt của Đội tự vệ Thủ đô với thực dân Pháp tại chợ Đồng Xuân. Trong tiểu thuyết Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam có câu: Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây, để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất của Thủ đô theo như câu hát của bài xẩm Vui nhất có chợ Đồng Xuân: Hà Nội như động tiên sa. Sáu giờ, tắt hết đèn xa đèn gần. Vui nhất có chợ Đồng Xuân, mùa nào thức nấy, xa gần đến mua... Thuở nhỏ, tôi và chúng bạn thường leo lên tàu điện lên chợ Đồng Xuân, la cà, nhìn ngắm hàng giờ liền không chán ở các gian hàng nơi đây.
Bây giờ, chợ Đồng Xuân đã có nhiều đổi khác. Ngoại trừ kiến trúc mặt tiền gần như giữ nguyên, bên trong chợ được xây dựng rất hiện đại, chia thành 2 khu lớn, cao 3 tầng. Vòm chợ có không gian thoáng rộng, xung quanh là các quầy hàng san sát. Hàng hóa ở chợ Đồng Xuân giờ cũng khác xưa rất nhiều, có những loại mất đi, có những loại thêm vào nhưng vẫn xứng với danh tiếng của một chợ đầu mối lớn, nơi tiếp nhận hàng đến và đi các tỉnh xa.
Điều không đổi khác ở chợ Đồng Xuân là không khí mua bán sôi động và hồ hởi thân thương, mang hồn cốt của chợ xưa chứ không trầm lắng như ở các siêu thị hiện đại.
Chợ Đồng Xuân trong thời gian giãn cách (tháng 4/2020) |
Thời đó, phía sau chợ Đồng Xuân có nhiều hàng bán hoa, cây cảnh và chim thú - là nơi mà đám thiếu niên chúng tôi thường nấn ná ở đó lâu nhất. Đi chợ Đồng Xuân, đến chỗ này, khách như bị đi lạc vào vườn chim lớn với đủ âm thanh trầm bổng. Ngày nay, có lẽ vì mật độ người mua bán đông đúc và nhu cầu xã hội cũng đã khác nên dãy hàng này không còn đông như ngày xưa.
Các chợ trung tâm ở Hà Nội cũ như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm... đều là những chợ có lịch sử từ rất xa xưa. Riêng với chợ Hôm, người Hà Nội ở cái tuổi trên dưới 80 hẳn vẫn còn nhớ, vào mùa đông năm 1946, khu chợ này là một trong những chiến trường ác liệt nhất, nơi các chiến sĩ tự vệ Liên khu I đã kiên cường chống trả các đợt tấn công của quân đội viễn chinh Pháp. Gần 70 năm trôi qua, trải qua thêm một cuộc binh lửa, chợ Hôm - Đức Viên (sáp nhập...) đã có được diện mạo hiện đại như ngày hôm nay.
Chợ nằm trên địa bàn phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, được thành phố xếp loại là 1 trong 9 chợ loại I của Hà Nội, nổi tiếng về sự cung ứng các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau quả. Tại tầng 1 của chợ Hôm là các quầy hàng rau quả và thực phẩm tươi sống với đủ sắc màu tươi rói, đầy sức chào mời các bà nội trợ.
Không ngẫu nhiên mà chợ Hôm lại nổi tiếng bởi ở đây có cả một truyền thống buôn bán kinh doanh đã hình thành và được gìn giữ qua nhiều năm tháng. Hơn 500 hộ kinh doanh, từ những người có vốn lớn buôn bán to đến những người vốn ít chỉ đủ bán hàng lá hoặc quà bánh.
Trong số các chợ nổi tiếng của Hà Nội có chợ Bưởi (vùng Kẻ Bưởi, nay thuộc quận Tây Hồ), là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên. Ca dao có câu: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng", tức là chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng.
Gốc đề cổ thụ ở góc đường Thụy Khuê - Lạc Long Quân là nhân chứng cho những phiên chợ đặc biệt ấy. Theo lời những người ở đây kể lại, xưa gốc cây này là nơi cột trâu, bò, nhất là phiên chợ đại gia súc cuối năm, trâu, bò được cột thành từng đàn cho người mua lựa chọn, dù làm thịt ăn Tết hay mua nuôi cũng sẽ gặp nhiều may mắn trong phiên chợ cuối năm này.
Ngày nay, chợ phiên Bưởi đã biến đổi nhiều so với trước nhưng những ai có nhu cầu mua cây cảnh, hạt giống rau, chó, mèo, chim... vẫn tìm đến nơi này. Vào các ngày phiên, cứ tầm 6 giờ sáng là người ta rục rịch mang hàng ra đây bày la liệt trên vỉa hè. Các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh…
Cánh bán chậu trồng cây cảnh thì chiếm cho mình những đoạn vỉa hè to nhất, rộng nhất để bày hàng… Cứ thế, chợ rộn rã, lao xao đến giữa trưa thì tan, người chơi chợ về nhà, còn cánh bán hàng thì đủng đỉnh dọn dẹp đến tối mịt.
Có thể nói, từ khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, chợ Hà Nội đã có những thay đổi rất nhanh chóng và kịp thích nghi với thời cuộc. Với những chợ trung tâm Hà Nội cũ vốn được hình thành từ xa xưa, nhiều chợ đã gần như không còn nữa.
Nhiều chợ biến thành siêu thị và nhiều chợ giữ nguyên công năng, được xây mới trên nền đất cũ. Dù chợ truyền thống Hà Nội đã thay đổi, thậm chí có thể sẽ "biến mất" trong tương lai nhưng điều cơ bản là những chợ cũ ấy vẫn luôn tồn tại trong tâm trí của người Hà Nội.