Tag

Chợ tình mùa xuân

Văn hóa 30/01/2022 07:00
aa
Người đi chợ tình là người đi tìm nửa kia của mình để nên duyên chồng vợ; là những người do duyên tình éo le không lấy được nhau, nay đi chợ tình là để đổ thương nhớ, đổ giận hờn vào nhau, là để giải toả những uất ức, để giãi bày tâm sự.
Nhắc đến chợ tình người ta thường sẽ nghĩ tới những phiên chợ nổi tiếng của Sapa hay Khau Vai mà quên mất rằng chợ tình Tây Bắc đầu tiên bắt nguồn ở ngay tại Mộc Châu. Phiên chợ này đặc biệt bởi không phải là nơi để người ta buôn bán, chợ tình là nơi để những đôi trai gái hẹn hò, tán tỉnh và kết thành đôi lứa.
Nhắc đến chợ tình người ta thường sẽ nghĩ tới những phiên chợ nổi tiếng của Sapa hay Khau Vai mà quên mất rằng chợ tình Tây Bắc đầu tiên bắt nguồn ở ngay tại Mộc Châu (Sơn La). Phiên chợ này đặc biệt bởi không phải là nơi để người ta buôn bán, chợ tình là nơi để những đôi trai gái hẹn hò, tán tỉnh và kết thành đôi lứa.

Người già vùng núi đá Mèo Vạc, Hà Giang, quê Páo kể: Thuở hồng hoang, ông Chày sinh ra bầu trời, bà Chày sinh ra mặt đất. Bầu trời thì tròn, mặt đất thì vuông. Bầu trời nhỏ hơn mặt đất, mặt đất lại phẳng phiu. Ông Chày mới bảo bà Chày co mặt đất lại cho vừa bầu trời nên mặt đất lồi lõm thành sông, suối, núi, đồi, bình nguyên... Rồi sau đó, ông Chày bà Chày mới sinh ra con người.

Thuở hoang sơ, con người chưa phân thành đàn ông đàn bà và sống an nhàn, vui vẻ sung sướng lắm. Sung sướng là bởi cây mọc từ kẽ đá um tùm rậm rạp, rừng đầy hoa quả, núi đầy chim muông, cầm thú; loài người không phải làm mà cũng có ăn. Sướng quá, loài người đâm ra lười nhác, không có đam mê, chẳng có khát vọng, cuộc sống vô cùng buồn tẻ và chán ngắt. Ông Chày bà Chày vén mây nhìn xuống thấy thế, bỗng ghen tức với sự sung sướng của loài người và chán ngán với cuộc sống tẻ nhạt của họ. Ông Chày bà Chày bèn sai thần xuống phân mỗi người thành hai nửa, một nửa nặn nên đàn ông, một nửa nặn thành đàn bà rồi ném mỗi người đi một nơi... Từ đó, người Mông của Páo luôn luôn sống trong cô đơn, sợ cô đơn nên làm cuộc hành trình đi tìm lại nửa kia của mình. Người ở Mèo Vạc tìm nửa của mình ở Đồng Văn, người ở Lũng La tìm đến Lũng Pàn, người ở Sơn Vỹ tìm về Mã Pì Lèng... Người nào may mắn tìm một lần đã thấy ngay nửa của mình khớp vào vừa chằn chặn thì sung sướng hạnh phúc. Người nào không may, tìm một lần không thấy, hai, ba lần không thấy, bốn lần mới thấy hoặc tệ hại hơn là không bao giờ tìm được nửa kia của mình đành phải ở với cái nửa của người khác. Nửa của người khác nên lúc nào cũng cong vênh, không khớp, khổ lắm. Sau, ông Chày bà Chày nghĩ lại thì đã muộn, đành làm một chợ tình để những cái nửa ở chân trời góc núi ấy tìm lại, khớp lại với nhau, gặp nhau. Vậy là thành chợ tình.

Chợ tình, người già kể là chuyện thần thoại nhưng nghe như huyền thoại. Chợ tình có từ bao giờ không ai biết rõ, Páo lớn lên đã thấy cha đi chợ tình, đi mải miết, đi say mê. Ông nội bảo, ngày bà nội còn sống, bà cũng đi chợ tình. Mẹ Páo thì bảo: “Ai cũng như bà nội, như cha mày thì lấy đất đâu họp chợ”.

Năm tháng thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Páo lớn nhanh như cây trẩu ở hồi nhà, khoẻ khoắn như cây sa mộc bên cổng đá. Páo cũng như bà nội, như cha, Páo lại đi chợ tình.

Chợ tình họp vào mùa xuân. Chợ dành cho lứa tuổi biết yêu đi tìm bạn tình, dành cho những người yêu nhau nhưng do tình duyên trắc trở mà không thành chồng vợ. Không phải ai cũng được đi chợ tình. Đi chợ tình khác với đến chợ tình. Người đến chợ tình là đến xem người ta gặp gỡ nhau, hoặc nghe hát, chơi quay, đánh yến. Còn người đi chợ tình là đi tìm nửa kia của mình để nên duyên chồng vợ; là những người do duyên tình éo le không lấy được nhau, nay đi chợ tình là để đổ thương nhớ, đổ giận hờn vào nhau, là để giải toả những uất ức, để giãi bày tâm sự.

Có người đi chợ tình lại cất giấu những điều phiền muộn, trắc trở, không may trong lòng và thường để cái xấu của nhà mình lại trước khi ra ngoài cổng. Họ nghĩ, chả lẽ đến chợ tình lại đem chuyện thằng chồng nát rượu, đánh vợ đánh con, hút thuốc phiện đến thân tàn ma dại, nói với người tình cũ. Chả lẽ mang chuyện con vợ hay ăn, nhác làm, ăn quà như mỏ khoét, ngáy ngủ to như tiếng ngáy lợn rừng đến chợ tình kể cho người mình đã từng yêu nghe. Người tình cũ nghe sẽ thương mình hơn, xót cái thân thể cực nhọc của mình hơn, nhưng lại thêm buồn, thêm giận cái nửa đang ở bên mình hơn.

Páo dậy từ lúc tối mò, đất trời còn giao hoà với nhau làm một. Seo Lỷ - vợ Páo cũng đi chợ tình. Lỷ ngồi vắt vẻo trên yên ngựa. Páo đi bộ, tay cầm dây cương, tay cầm cây đuốc bằng gỗ sa mu chẻ cháy lách tách. Con ngựa nâu nhà Páo lầm lũi đi, lầm lũi bước. Âm âm. U u.

Páo đi chợ tình mặc áo bằng vải lanh nhuộm chàm, cổ áo tròn, may ba túi, cài khuy ngang, đội mũ nồi đen; quần cạp vấn, ống rộng. Bộ quần áo này mua từ số tiền Lỷ bán ba tạ ngô răng ngựa, mặc có vài lần rồi cất để dành cho mới chờ ngày xuống chợ. Páo biết, không nói ra nhưng chắc vợ Páo cũng mong đến phiên chợ tình này lắm. Cả tuần, Lỷ giặt váy áo mới đem hong trước gió, Lỷ gội tóc bằng nước nấu từ cây sả lấy ở hồi nhà. Tóc Lỷ mượt và thơm, đi xuôi chiều gió thổi, hương sả thoảng thơm điếc mũi. Lỷ đi chợ tình làm dáng thế sẽ lấy hết hồn Giàng Mí Chu, người tình cũ của Lỷ, có khi con trai đến chợ cũng xao lòng. Ngựa nhẩn nha đi, Páo nhẩn nha bước. Páo và vợ mỗi người nôn nao, náo nức đuổi theo nghĩ ngợi của riêng mình.

Lên đỉnh dốc Cổng Trời, Páo cảm thấy như mình đang ở trên trời vậy. Páo định vén mây, hỏi ông Chày, bà Chày xem Seo Say đã ra khỏi cổng đá nhà chồng chưa. Nhà chồng Seo Say nhiều ngựa, nhiều dê lắm, Seo Say đi cắt cỏ bao giờ mới đầy tầu ngựa để đi chợ tình. Nhà chồng Seo Say ở tít trên núi cao, bốn mùa thừa gió thiếu nước. Quê chồng Seo Say cũng chỉ có đá là đá; quanh năm Seo Say phải xuống sông Nho Quế, gùi đất đổ vào hốc đá rồi chổng mông, cúi gằm mặt tra ngô vào đó. Năm ngoái, Seo Say phải trốn mẹ chồng đi chợ tình. Seo Say trèo lên cây sa mộc, thả người lên hàng rào đá rồi nhảy xuống đống cây ngô khô, chạy ra dốc Ba Khoanh nơi chồng Seo Say đang dắt ngựa chờ ở đó. Chồng Seo Say không đi chợ tình, chỉ dắt ngựa giấu mẹ đưa Seo Say đi thôi. Seo Say đến chợ mà tay xước rớm máu và sương đêm ướt sũng bờ vai tròn. Khổ thân Seo Say, đến chợ cũng lại gặp mẹ chồng đi chợ tình, chẳng đằng nào thoát. Ngồi với Páo mà cứ phải dấm dấm dúi dúi, mắt liếc nhìn; chỉ sợ mẹ chồng đến làm to chuyện. Càng kể hai mắt Seo Say càng ướt rượt.

Chợ tình Khâu Vai được tổ chức vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm ở Hà Giang (Ảnh: Internet)
Chợ tình Khâu Vai được tổ chức vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm ở Hà Giang (Ảnh: Internet)

Vô vàn những đốm đuốc đỏ như mắt bò rừng bắt đèn săn đêm hiện lên trước mắt. Páo nhận ra thung lũng Pà Tẻn đang ở trước mặt mình. Đuốc đỏ theo các con đường mòn vắt qua sườn núi, bò theo bờ nương, qua thung lũng đi về phía chợ. Hoá ra có rất nhiều người cũng như Páo, như Lỷ đang náo nức đi chợ tình. Trong số những đốm đuốc đỏ kia, có bao nhiêu từ bản làng heo hút trong rừng sâu ra. Páo không biết, có thể họ đi sớm hơn Páo, chỉ thua những người đến chợ tình từ chiều hôm trước ngủ lại qua đêm thôi.

Sáng sớm.

Chợ tình đã ồn ào người chen vai người.

Páo dừng ngựa ngay cổng chợ đỡ vợ xuống. Lỷ cũng đi chợ tình, vội vàng xuống quẩy tấu (cái gùi của người Mông) lấy gói cơm nếp nương, cái đùi gà luộc và quả bầu be khô đựng rượu đưa cho Páo. Còn một gói, Lỷ giữ lấy cho mình. Lỷ vỗ nhẹ vào bờm ngựa, chờ cái gật đầu của Páo rồi bước đi tìm bạn tình. Lỷ đi một đoạn, Páo mới chợt nhớ chưa hẹn chỗ chờ nhau về nhà, Páo gọi giật giọng:

- Lỷ! Chiều về, Lỷ chờ tôi ở bên cổng đá ở góc chợ phía Đông nhá.

Lỷ không trả lời, chỉ quay mặt lại, cười, và gật đầu. Páo thấy cái chân Lỷ bước vội quá. Chầm chậm thôi kẻo ngã thì khổ. Thằng Vàng Mí Chu không theo về nhà mình chăm cái chân của Lỷ đâu.

Páo buộc ngựa xong, ngồi dựa lưng, mắt lim dim tìm sự sảng khoái sau một chặng đường ba tiếng đồng hồ theo chân ngựa. Páo nhìn mấy cây lê mọc hoang bên hàng rào đá đổ đã bật tung những cánh hoa trắng, cảm thấy dễ chịu và nghĩ ngợi đến giây phút đầu tiên sẽ gặp Seo Say trong phiên chợ tình năm nay.

Còn sớm.

Chắc Seo Say đã đến gần cổng chợ. Páo với tay lấy quả bầu be làm vài tợp rượu. Páo nhắm mắt mường tượng cái má đỏ bồ quân, cái bắp chân tròn trắng của Seo Say. Đôi chân đi giày vải đang đung đưa trên mình ngựa trắng. Con ngựa trắng dừng trước mặt Páo. Seo Say thúc ngựa hí vang và giẫm chân lộp cộp. Páo vẫn lim dim mắt như ngủ.

- Seo Say đến rồi đấy. Anh Páo à.

Páo xoay người quay mặt đi, cái mũ nồi đen sụp xuống mặt.

- Anh Páo à. Đỡ Seo Say xuống ngựa nào.

Páo lại càng giả vờ như không biết và cất tiếng ngáy to như tiếng ngáy của con bê.

- Không đỡ xuống thì thôi. Chẳng thèm nữa.

Seo Say quay đầu ngựa. Tiếng bước chân ngựa xa dần. Páo lo quá, hốt hoảng chạy theo, ghìm cương quay đầu ngựa rồi đỡ Seo Say xuống...

Không phải Seo Say đến. Chỉ là một chút mường tượng thời thanh xuân Seo Say còn ở Lũng Pàn, hai đứa vẫn giả vờ để hù hoạ nhau thôi. Từ ngày Seo Say về nhà chồng thì Páo cũng hết tuổi chơi, tuổi nghịch luôn. Páo thẫn thờ, tiếc nuối. Mới đấy mà đã bốn năm, thời gian nhanh quá như bóng câu qua cửa sổ.

Páo lại nghĩ đến Lỷ. Chắc giờ này, Lỷ đã gặp Vàng Mí Chu rồi, không biết Lỷ và Chu ngồi chỗ nào, ở gốc cây si hay gốc cây sồi.

Mặt trời lên đến đỉnh cây sa mộc.

Những người đi chợ, đến chợ đã mang cơm nếp ra ăn. Và đã lác đác người ra về. Páo mong chờ đến sốt ruột. Hay là Seo Say giận Páo? Seo Say có việc nhà chồng nên đến muộn? Mẹ chồng Seo Say không cho đi, nhốt trong tường rào đá? Bao nhiêu phỏng đoán dồn dập đến trong đầu Páo. Nhà chồng giàu, nhưng Seo Say đi làm dâu khổ lắm. Sáng lùa dê lên núi và cắt cỏ ngựa gùi về. Chiều cầm dao cầu thái cỏ ngựa trong giá rét bầm tay. Một đống cỏ, hai đống cỏ thái nhỏ mới đầy tàu ngựa tám con ăn. Đêm đêm, trong ánh đèn dầu lờ mờ, hai thớt đá cối xay ngô nặng nề nghiến vào nhau. Bóng Seo Say hắt lên tường nhà trình đất lúc mờ lúc rõ. Xay ngô thường có một người bỏ từ từ vài hạt thôi để cho hai, ba người kéo. Vậy mà Seo Say phải kéo cối xay ngô một mình, chốc chốc dừng lại bỏ vài hạt rồi lại kéo, lại dừng lại bỏ... Có bột ngô rồi còn phải đồ lên thành mèn mén cho cả nhà ăn thì đêm cũng hết. Bà mẹ chồng không thương Seo Say lại suốt ngày đá thúng đụng nia, chửi dê mắng chó, bắt le bắt lét. Đã bao lần Seo Say âm thầm hát “Tiếng hát làm dâu”. Hát rằng:

“Trời đất canh hai, con dâu đã phải dậy đi gùi nước. Nước ở chỗ con khe, dưới chân núi, leo dốc mất một canh. Con dâu múc nước, múc cả ánh trăng vàng và con rồng về. Mẹ chồng bảo, ai đi gùi nước về mà địu cả con trăng và con rồng thì không xứng là con dâu. Vậy thì con dâu là con gì?...”.

Phiên chợ tình năm ngoái, Seo Say vừa kể vừa hát, giọng ai oán lắm. Páo thương muốn đứt ruột, đứt gan mà không có cách gì bù đắp được, chỉ giận thằng chồng Seo Say sợ mẹ, sao lại để vợ khổ thế.

Mặt trời sang bên kia cây sa mộc.

Páo đã hết mong với chờ. Páo bắt đầu lo. Đường từ Lũng La xuống chợ xa lắm, qua dốc Ba Thang, qua cua Chín Khoanh. Đá tai mèo sắc lởm chởm vô cùng. Ngựa là con vật leo dốc đá giỏi ở miền núi nhưng vượt dốc Ba Thang cũng tức đái.

Chợ đã vãn một nửa, nhưng nhiều đôi còn dùng dằng chưa muốn chia tay. Trước mặt Páo, người đàn bà nắm chặt tay người đàn ông, hai mắt họ nhìn nhau rưng rưng. Nhìn mãi mà không nói với nhau một lời. Bên phải Páo, chỗ gốc cây sồi vẫn là bà già mũi tẹt đang nâng bát rượu mời ông già. Ông già giơ tay đôi tay già nua đỡ rồi nắm chặt luôn hai tay bà, run run nâng bát rượu lên uống. Sao tình già đằm sâu thế. Họ đến với nhau qua bao nhiêu phiên chợ tình rồi? Khỉ thật. Con ngựa nâu nhà Páo cứ đánh móng và quay đầu nhìn sang con ngựa trắng của bà già ấy. Bên trái Páo, đôi trai gái quần áo mới tinh khôi còn rất trẻ tay nắm trong tay mà mắt lấm lét nhìn. Cứ như là sợ chồng em, vợ anh bắt gặp. Hình như họ đi chợ tình lần đầu.

Chợ tình mùa xuân

Chiều sầm sập xuống.

Chợ đang tan. Nhiều cặp trai gái chia tay nhau. Dùng dằng. Lưu luyến. Hẹn hò. Páo thấy mình thừa ra. Tủi quá.

Đúng lúc ấy, con ngựa trắng nhà Seo Say xuất hiện. Đúng lúc ấy, bà già vấn khăn tròn xếp ba màu, mũi tẹt, đứng lù lù trước mặt Páo. Có chuyện rồi, Páo thoáng nghĩ trong đầu. Lúc này bà già cũng đỏ bừng mặt vì rượu, bảo:

- Tao thấy mày ăn một mình, uống một mình. Tội quá.

- Cái số tôi lẻ bạn tình. Đành chịu thôi.

Bà già cột ngựa vào gốc cây sa mộc. Con ngựa nâu nhà Páo nghếch mõm dũi dũi vào đít con ngựa vừa buộc. Lúc này Páo càng nhìn rõ con ngựa cái màu trắng nhà Seo Say.

- Páo à. Tao biết mày đi chợ tình để gặp Seo Say.

- Bà biết tôi? - Páo hỏi lại.

- Ờ. Tao thấy mày ngồi với con Seo Say nhà tao ở gốc cây sa mộc này từ phiên chợ tình năm ngoái, năm kia rồi. Hôm nay, tao định về luôn, nhưng nhìn mày ngồi chầy chầy ở đây đợi Seo Say cả ngày không thấy. Tội quá. Tao đi không đành.

- Bà là...

- Là mẹ chồng Seo Say. Tao nói mày đừng buồn. Seo Say không còn nữa đâu, nó chết rồi.

- Chết rồ... ồi!

Seo Say chết rồi. Bà già nói phũ quá. Như có tiếng sét đánh ngang tai giữa trời quang mây tạnh. Đột ngột quá. Páo không muốn tin người mà Páo mong đợi suốt ngày ở chợ tình, chờ suốt năm nay lại chết.

Và câu chuyện mẹ chồng Seo Say kể:

Seo Say đến ngày đẻ. Tao không cho nó đi bệnh viện. Bệnh viện ở xa quá mà người Mông ta từ xa xưa vẫn tự đẻ trong nhà. Đẻ thì đi gọi bà đỡ vườn, nấu một nồi nước lá thơm và cấm thằng chồng, cấm đàn ông đàn ang không được ngó ngàng là xong. Có người còn tự một mình vượt cạn được ở ngoài nương cơ mà. Đẻ đối với người đàn bà Mông cũng dễ dàng, đơn giản, tự nhiên như con ngựa, con trâu, con dê vẫn thường đẻ có sao đâu. Tao nghĩ như thế, người Mông quê ta nghĩ như thế.

Con Seo Say đẻ xong, mẹ tròn con vuông. Con trai nhá, đỏ hon hỏn. Mừng quá. Nhưng khổ thân con Seo Say, bà vườn lấy cật nứa cắt rốn thằng bé rồi mà rau vẫn không chịu ra, rau gái đẻ bị cầm tù trong bụng Seo Say. Nửa đêm đến sáng, từ sáng đến trưa con Seo Say vẫn nhăn nhó, đau đớn. Vậy là con ma nó không cho cái rau ra rồi. Phải cúng thôi. Tao cho người đi mời thầy mo. Thầy mo bắt con Seo Say ngồi trên chõng tre, hai chân dạng ra đặt trên hai ông đồ rau. Thầy mo cởi dây giày vải, một đầu buộc vào cái núm rau đang thò lò ra giữa hai háng con gái đẻ, một đầu dây buộc vào viên sỏi nhỏ màu trắng có dán lá bùa. Viên sỏi trắng loay xoay rồi đung đưa, đung đưa. Khổ thân con gái đẻ cứ dạng chân mãi thế. Trong buồng thì thằng bé không được bú mẹ khóc. Ngoài sân thầy mo thắp hương, bày gà luộc, xôi nếp, giấy xanh, đỏ, tím, vàng hò hét cúng ma. Thầy nhảy múa nhiều quá, hò hét đuổi ma nhiều quá thầy vã mồ hôi. Thầy cúng một bài cái rau vẫn không ra, thầy cúng ba, bốn bài cái rau cũng không ra. Máu ri rỉ chảy nhiều quá, đỏ sũng hai bên đùi con gái đẻ. Thầy mo bèn thay viên sỏi bằng cái giày vải thầy đang đi. Vậy là một đầu dây buộc vào cái giày vải dán mảnh bùa, một đầu dây vẫn buộc nguyên vào cái núm rau thai đang thò lò ra ấy. Thầy mo thả cái giày vải khỏi tay thầy thì con Seo Say giật thót người, mắt trợn ngược lên. Hai chân nó mềm ấm đang dạng ra bỗng cứng đờ, lạnh ngắt. Cái giày vải cũng loay xoay rồi đung đưa, đung đưa. Thế rồi, đánh ục một cái, máu xối ra, chảy tướt xuống hai đùi và con Seo Say nằm gục xuống bất tỉnh. Cái giày vải dán mảnh bùa vẫn kẹp ở hai đùi non...

Cao nguyên đá câm lặng. Trời đất cũng câm lặng.

Chiều tối đổ ập xuống.

Páo sợ. Páo thấy cô đơn kinh khủng. Bóng tối của buổi chiều tan chợ sập xuống là cũng sập luôn niềm hạnh phúc, hy vọng mong manh cả một năm mong gặp bạn tình chỉ một lần. Phiên chợ này là phiên chợ tình cuối cùng của Páo rồi.

Bà già mũi tẹt, mẹ chồng Seo Say đã rời khỏi gốc cây sa mộc rồi. Bà ta đang ngồi ngất nghểu trên lưng ngựa trắng đi về Lũng La. Bà mẹ chồng đang lẩm bẩm những lời ca trong « Tiếng hát làm dâu ». Đầu bà hơi cui cúi. Búng núi đổ dài trùm lên bà mẹ chồng và con ngựa trắng. Tiếng hát làm dâu và chợ tình cuối mùa xuân; đâu là tối tăm, u mê; đâu là trữ tình, lãng mạn?

Chỉ còn Páo và cái chợ không người. Páo lững thững dắt ngựa đến cổng đá có cây đào cổ thụ đã nở bung hoa trắng hồng ở góc chợ phía Đông. Lỷ đang chờ Páo ở đó.

Sương núi xuống sớm lành lạnh. Páo nằm vắt mình trên lưng ngựa. Lỷ đi bộ cầm cương dắt ngựa nâu về nhà. Tay Lỷ cầm ô che sương núi cho chồng. Lúc tỉnh, lúc mơ mơ màng màng, Páo vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi ngựa váng vất, ngựa thong thả nện móng xuống con đường ô tô mới mở. Đường nhựa phẳng lỳ trải dài, quanh co uốn lượn. Những cây đào bên đường đã nở bung hoa trắng hồng. Đằng trước Páo, đằng sau Páo, có rất nhiều chàng trai Mông đi chợ tình về, mặt đỏ bừng vì rượu ngô cũng nằm vắt vẻo trên mình ngựa. Bên cạnh họ là những người vợ yêu thương chồng, đang nhẫn nại, lặng lẽ, kiêu hãnh xoè ô che gió, nắng cho chồng.

Đọc thêm

Philip Quast và các nghệ sĩ trân trọng tà áo dài Việt Nam Thời trang - Làm đẹp

Philip Quast và các nghệ sĩ trân trọng tà áo dài Việt Nam

TTTĐ - Tuần lễ Nghệ thuật Quốc tế - International Art Week 2024 do The YOUniverse tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Tà áo dài - biểu tượng của văn hóa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý khi được các nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu nước Úc như huyền thoại nhạc kịch Philip Quast, Nicholas Gentile và Anne - Maree McDonald trân trọng mặc lúc biểu diễn, giao lưu.
Khẳng định vẻ tự tin và hiện đại của phái đẹp Thời trang - Làm đẹp

Khẳng định vẻ tự tin và hiện đại của phái đẹp

TTTĐ - Từ váy liền nữ tính đến set suit thanh lịch, áo sơ mi nhẹ nhàng đến chân váy midi dịu dàng, mỗi set đồ đều là lời khẳng định vẻ đẹp tự tin và hiện đại của phái đẹp.
Huỳnh Thị Thanh Thủy sẽ giữ gìn danh giá của Hoa hậu Thời trang - Làm đẹp

Huỳnh Thị Thanh Thủy sẽ giữ gìn danh giá của Hoa hậu

TTTĐ - Tân Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy Quốc tế 2024 khẳng định sẽ giữ gìn sự danh giá của chiếc vương miện quý báu trong buổi giao lưu do báo Tiền Phong tổ chức chiều 19/11.
UNIQLO ra mắt 2 bộ sưu tập độc quyền tôn vinh văn hóa Việt Thời trang - Làm đẹp

UNIQLO ra mắt 2 bộ sưu tập độc quyền tôn vinh văn hóa Việt

TTTĐ - UNIQLO vừa công bố khởi động Chương trình kỷ niệm cột mốc 5 năm tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2024. Với thông điệp “Cảm ơn Việt Nam - Luôn vẹn tin yêu”, chương trình bao gồm loạt hoạt động thay lời tri ân gửi đến khách hàng, cùng quà tặng hấp dẫn diễn ra trên khắp hệ thống cửa hàng bán lẻ và cửa hàng trực tuyến của UNIQLO.
Lòng biết ơn - ngọn nguồn của nhân cách vẹn toàn Văn học

Lòng biết ơn - ngọn nguồn của nhân cách vẹn toàn

TTTĐ - Bài thơ "Lòng biết ơn cho nhân cách vẹn toàn" của nhà thơ Hoàng Hạnh là bản giao hòa đầy xúc cảm giữa tình yêu Tổ quốc, lòng tri ân người chiến sĩ và khát vọng gìn giữ giá trị nhân văn sâu sắc. Qua từng dòng thơ, tác giả không chỉ khắc họa hình ảnh người lính Trường Sa mà còn khơi dậy lòng biết ơn - một phẩm chất ngọn nguồn cho nhân cách toàn vẹn.
Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ với đầm đính 1.000 bông hoa Thời trang - Làm đẹp

Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ với đầm đính 1.000 bông hoa

TTTĐ - Diện chiếc đầm dạ hội đính 1.000 bông hoa lụa, nặng khoảng 20kg trong show “Timeless”, Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ và chứng tỏ bản lĩnh vượt trội, sải những bước đầy cuốn hút sau nhiều năm nổi tiếng trong làng thời trang.
Hùng tráng bài ca “Cùng nhau giữ nước” Văn hóa

Hùng tráng bài ca “Cùng nhau giữ nước”

TTTĐ - Tối nay (18/11), tại Hoàng thành Thăng Long, chương trình chính luận nghệ thuật "Cùng nhau giữ nước" đã diễn ra với quy mô hoành tráng. Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc với sân khấu hoành tráng, sử dụng công nghệ 3D mapping đã kể thành công câu chuyện “dựng nước” và “giữ nước” của dân tộc Việt Nam.
Tối nay, diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” Văn hóa

Tối nay, diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

TTTĐ - Tối nay (18/11), tại Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật với tên gọi "Cùng nhau giữ nước".
Lan tỏa sâu rộng tinh thần sáng tạo trong cộng đồng Văn hóa

Lan tỏa sâu rộng tinh thần sáng tạo trong cộng đồng

TTTĐ - Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức bế mạc. Sau 9 ngày liên tục đón tiếp gần 30 vạn Nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia tích cực, Lễ hội đã chứng tỏ sức hấp dẫn và lan tỏa tinh thần sáng tạo.
Mùa lễ hội và dấu ấn sáng tạo xuyên biên giới Nghệ thuật

Mùa lễ hội và dấu ấn sáng tạo xuyên biên giới

TTTĐ - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa với các quốc gia trên thế giới. Việc đầu tư vào sáng tạo xuyên biên giới thông qua Lễ hội này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và quốc tế.
Xem thêm