Chọn bằng cấp hay chọn việc làm?
Gen Z tìm việc: Cơ hội có thực mở cho những người chưa có bằng cấp |
Nhu cầu về công nhân kỹ thuật ngày càng tăng
Tham gia tọa đàm, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ quan điểm rằng, một nền kinh tế muốn phát triển cần có tháp nhân lực hợp lý. Ở đó, các cấp trình độ đều được phát triển nhưng với tỷ lệ khác nhau tùy vào ngành nghề.
Các vị khách mời tham gia toạ đàm |
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chỉ ra rằng, nhu cầu vị trí việc làm trên thị trường tương ứng với trình độ đại học – cao đẳng – sơ cấp tương đương với tỉ lệ là 1 – 3 – 5. Vì vậy, định hướng đào tạo về lâu dài cần gắn với nhu cầu này.
Dẫn chứng cho việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của thị trường mang lại hiệu quả tích cực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho hay: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại trường trong vòng 6 tháng tìm được công việc lên tới 97- 97,7%, đặc biệt cao ở các nhóm ngành như marketing số, thiết kế đồ họa, du lịch - nhà hàng - khách sạn... |
“Hiện trên 80% người học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm và quan trọng nhất là có việc làm đúng nghề. Thậm chí, ở một số ngành nghề, tỷ lệ này lên đến 100%. Nhu cầu nhân lực cao đẳng trở xuống trong tháp nguồn nhân lực là rất lớn, đây là cơ cấu chung của lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Khi chúng ta đang hướng tới phát triển một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045 thì nhu cầu về công nhân kỹ thuật sẽ ngày càng tăng lên”, ông Bình cho hay.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ quan điểm |
Dưới góc nhìn của đơn vị đào tạo, thầy Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, thị trường lao động đã có những tín hiệu rất tích cực trong 5 năm gần đây, dù tỷ lệ phân bổ về thầy và thợ vẫn đang lệch về phía đại học và ít hơn ở phía cao đẳng.
“Trong 5 năm trở lại đây, khối giáo dục nghề nghiệp đều có sự tăng trưởng 10-15%/năm. Đây là bước tăng trưởng đáng kể, thể hiện sự thay đổi trong lựa chọn của thí sinh và phụ huynh. Tại thời điểm này, khi Gen Z lựa chọn môi trường học tập thì bố mẹ các bạn cũng là những người rất tân tiến, biết nhiều nguồn thông tin đa chiều, giúp mang tới những lựa chọn phù hợp hơn”, thầy Thành nói.
Theo thầy Thành, không thiếu trường hợp học sinh có điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia quyết định lựa chọn học nghề đúng với đam mê, để tốt nghiệp sẽ ra làm việc đúng ngành. “Khối giáo dục nghề nghiệp hiện hợp tác chặt với doanh nghiệp, nhiều trường có chương trình đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp, nhờ đó cơ hội của các bạn trong khối giáo dục nghề nghiệp tăng rất cao”, thầy Thành chia sẻ.
Thầy Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tại chương trình |
Trở thành “chuyên gia” ngay trên ghế nhà trường
Thầy Vũ Chí Thành đánh giá: “Các chương trình sơ cấp, trung cấp, cao đẳng có ưu điểm lớn là thời gian học rất ngắn, chỉ 2-2,5 năm. Khi ra trường, sinh viên được bước chân ngay vào thị trường lao động và chiếm lĩnh ngay vị trí công việc.
Sinh viên học giáo dục nghề nghiệp được đào tạo kỹ năng thuần thục, lặp đi lặp lại cho tới khi trở thành một “chuyên gia”, ra trường không cần phải đào tạo lại, khả năng có việc sẽ rất cao. Các trường cao đẳng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc Việt Nam cũng mang tới cơ hội rất lớn cho sinh viên tốt nghiệp”.
Anh Lê Mạnh Cường, Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse, Công ty Hệ thống thông tin FPT chia sẻ |
Trên thực tế, nhiều ngành nghề, nhất là các khối ngành đang “khát” nhân sự hiện nay, yêu cầu tuyển dụng đều đánh giá cao khả năng thực chiến của ứng viên.
Anh Lê Mạnh Cường, Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse, Công ty Hệ thống thông tin FPT chỉ ra rằng, ứng viên muốn được tuyển dụng trước tiên phải đáp ứng được các tiêu chí như kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, độ dày kinh nghiệm, cuối cùng mới xét đến bằng cấp.
“Ngay tại akaVerse cũng có rất nhiều bạn hiện tại còn chưa tốt nghiệp cao đẳng mà đã có mức lương hỗ trợ từ phía công ty. Với doanh nghiệp, bằng cấp không quá quan trọng.
Điều quan trọng là ứng viên có đam mê ngành nghề đó không và phía doanh nghiệp có tạo điều kiện hỗ trợ các bạn (khi bạn đang theo học) hoặc thù lao bạn được trả có xứng đáng hay không. Theo tôi, đó là yếu tố quyết định để ứng viên và doanh nghiệp có thể kết nối với nhau trong công việc lâu dài”, anh Cường chia sẻ.
Các khách mời trong tọa đàm đã chỉ ra 4 yếu tố ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn trường của học sinh và phụ huynh trước kỳ tuyển sinh, bao gồm: Năng lực người học, khả năng tài chính của gia đình, nhu cầu vị trí việc làm của xã hội và đam mê của các bạn trẻ. Trong khi đó, khối đào tạo từ cao đẳng trở xuống sở hữu nhiều ưu điểm về thời gian học, thực hành và kết nối doanh nghiệp. |