Chọn nghề theo xu hướng thị trường hay đam mê cá nhân?
Nghề “hot” rồi sẽ hết “hot”
Chuyên gia hướng nghiệp Trần Thị Thanh Nga cho rằng đây là một trong những câu hỏi mà chị nhận được nhiều nhất trong hơn 20 năm làm nghề, đặc biệt là vào mỗi mùa chuẩn bị tuyển sinh như thế này.
Nghề theo xu hướng thị trường có thể hiểu là nghề “hot”. Theo chị Thanh Nga, chọn việc theo xu hướng xã hội chỉ là một trong những tham chiếu trong việc lựa chọn ngành nghề.
“Chọn ngành hot rồi sẽ hết hot, chọn ngành yêu thích nhưng không phù hợp với năng lực học tập/làm việc và khả năng thì khả năng bỏ học hoặc sau này có đi làm nghề cũng sẽ rất vất vả và dễ chán nản, khó gắn bó và thăng tiến trong nghề nghiệp”, chuyên gia Thanh Nga nhấn mạnh.
![]() |
Chọn nghề theo xu hướng thị trường hay đam mê cá nhân trở thành nỗi trăn trở chung của nhiều bạn trẻ |
Tất nhiên, nếu lựa chọn những ngành nghề có nhu cầu cao trên thị trường thì thường mang lại cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bạn trẻ mong muốn có một cuộc sống ổn định về tài chính ngay sau khi tốt nghiệp.
“Việc chạy theo xu hướng thị trường nếu không hiểu rõ năng lực bản thân sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Thị trường lao động hiện nay luôn biến động, những ngành nghề "hot" hiện tại có thể trở nên bão hòa rất nhanh dưới tác động của trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, việc lựa chọn nghề nghiệp dựa trên xu hướng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp với việc đánh giá khả năng và sở thích cá nhân”, chị Thanh Nga nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Thành Đô hiện nay, bên cạnh các học sinh đã có định hướng ngành nghề của mình thì cũng sẽ có những bạn học sinh còn đắn đo giữa các ngành nghề đang lựa chọn. Theo TS Thúy Vân, ngành "hot" không chỉ có một và có những bạn thích vài ngành "hot" chứ không phải một, đặc biệt là nhóm ngành kinh tế có rất nhiều lựa chọn càng khiến các em đắn đo.
Để chọn đúng, theo TS Thúy Vân, các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích và phải xác định được thế mạnh bản thân. Các em cần tự động kiểm tra về mặt kiến thức có đủ điều kiện để xét tuyển rồi sau đó tới nhu cầu tuyển dụng của xã hội hiện nay như thế nào? Nếu đã lựa chọn ngành nghề nhưng hoàn cảnh gia đình không phù hợp thì cũng cần lưu ý.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phố thông đã được triển khai và môn học Hoạt động, trải nghiệm hướng nghiệp đã trở thành môn học bắt buộc, các em học sinh đã có cơ hội được tham gia các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại trường nên đã giúp các bạn hiểu bản thân và ngành nghề tốt hơn.
Nhiều trường cao đẳng, đại học cũng đã thành lập phòng hướng nghiệp cho sinh viên nên các bạn sinh viên đã có cơ hội được tư vấn hướng nghiệp tại trường.
5 bước tự hướng nghiệp đúng cho các học sinh
Theo chuyên gia hướng nghiệp Thanh Nga, khi quyết định lựa chọn ngành học, tìm trường phù hợp, các bạn nên bám vào các yếu tố sau để đưa ra quyết định: Phù hợp với sở thích cá nhân và sở thích nghề nghiệp; mục tiêu nghề nghiệp tương lai; khả năng; năng lực học tập; cá tính và giá trị nghề nghiệp; điều kiện hoàn cảnh gia đình cũng như nhu cầu xã hội về ngành nghề.
![]() |
Chuyên gia hướng nghiệp Trần Thị Thanh Nga trong một buổi trò chuyện về hướng nghiệp với học sinh |
Theo chuyên gia Thanh Nga, các bạn trẻ có thể tự hướng nghiệp cho mình theo 5 bước: H0iểu mình, hiểu nghề, chọn ngành, tìm trường và lập kế hoạch.
Việc hiểu mình bao gồm hiểu sở thích, khả năng, năng lực học tập, cá tính, giá trị nghề nghiệp, điều kiện hoàn cảnh gia đình, sức khỏe nếu ngành nghề muốn theo đuổi yêu cầu.
Hiểu nghề bao gồm kết nối và xác định được nhóm ngành nghề phù hợp với điểm mạnh và đặc tính sở thích nghề nghiệp nổi trội, hay gọi là mục tiêu nghề nghiệp tương lai. Đồng thời, các bạn cần biết cách tra cứu thông tin nghề nghiệp mục tiêu được tuyển dụng trên thị trường lao động nhằm hiểu về yêu cầu năng lực làm việc của nhà tuyển dụng với ứng viên. Điều này rất quan trọng để bạn có những bước chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng trong thời gian học tập, từ đó tự tin bước ra thị trường lao động chuyên nghiệp.
Sau khi xác định được mục tiêu nghề nghiệp, tìm hiểu về thị trường lao động, bạn sẽ biết là nhà tuyển dụng yêu cầu bằng cấp về công việc. Các bạn cần biết là học một ngành ra làm được nhiều nghề hoặc học 2 ngành tên gọi khác nhau nhưng đều làm được nghề nghiệp mục tiêu của bạn.
Sau khi chọn được ngành học, các bạn học sinh có thể tìm những trường có thế mạnh đào tạo về ngành học của mình, chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp; phù hợp với năng lực học tập (điểm xét tuyển khối thi và điểm học bạ), môi trường phù hợp với cá tính thì sẽ chọn trường đáp ứng nhu cầu đó cho mình.
Cuối cùng là nâng cao năng lực học tập và ra quyết định lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân. Các bạn hãy chọn ngành/trường phù hợp với nhiều điểm thuận lợi của bản thân thay vì chỉ quan tâm đến độ "hot".
Cũng theo chuyên gia Thanh Nga, không có ngành nghề nào phù hợp 100%, chỉ cần bạn phù hợp 70%, còn 30% còn lại dành cho sự nỗ lực, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách của bạn trong nghề nghiệp để thành công. Kiến thức trong trường đại học là kiến thức nền tảng, các bạn cần học trang bị thêm cho mình những kiến thức và kỹ năng bổ sung để làm công việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
“Danh tiếng trường học, mối quan hệ của ba mẹ cũng không thể đảm bảo chắc chắn bạn có một công việc tốt, phù hợp. Năng lực làm việc và mạng lưới chuyên nghiệp của bạn mới tạo ra cơ hội việc làm cho bạn”, chuyên gia Thanh Nga đưa ra lời khuyên.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thúy Vân cũng cho rằng, các em cần tìm hiểu các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí nào đối với ngành nghề mình theo học; xu hướng và nhu cầu chuyển dụng của xã hội.
Các em phải căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề cho phù hợp. Bởi muốn học kinh tế, muốn đi du học nhưng điều kiện gia đình có hạn thì cũng rất khó thực hiện. Hiện trong nước có nhiều trường chất lượng, đào tạo chuyên môn sâu nên các em cũng sẽ có rất nhiều cơ hội chọn ngành học phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình.
![]() |
TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Thành Đô |
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi đáng kể. Công tác tuyển sinh của các trường đại học vì thế cũng có nhiều điều chỉnh. Việc giúp học sinh định hướng đúng ngành, nghề để có lựa chọn chính xác cho bản thân trong năm nay là vô cùng quan trọng.
Với vai trò là diễn đàn của thế hệ trẻ Thủ đô và cả nước, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức chương trình “Đối thoại, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2025”. Chương trình tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 5/4 tại Trường THPT Hà Đông, quận Hà Đông, Hà Nội với sự có mặt của gần 2.000 học sinh các trường THPT Hà Đông, THPT Ngô Thì Nhậm, THPT Văn Lang cùng đông đảo các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục và hướng nghiệp hàng đầu.
Chương trình nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Học trò Hà thành háo hức nghe chuyên gia “mách nước” chọn nghề

Khơi mở tương lai cho học sinh từ những lựa chọn đúng đắn

Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát tổ hợp xét tuyển không phù hợp

7 điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

Xây dựng nền tảng giúp học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT

Những mốc thời gian quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Mở rộng cơ hội, phát triển bản thân từ thói quen tự học ngoại ngữ

Hà Nội trao bằng chứng nhận 412 trường đạt chuẩn quốc gia

Khen thưởng hơn 100 giáo viên dạy giỏi thành phố cấp THPT
