Chủ động phòng chống động đất tại các khu chung cư
Các chung cư ở Hà Nội chống chọi được động đất cấp 7, cấp 8
Ngày 27/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 645/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần. Trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam có các hệ thống đứt gẫy hoạt động và được gọi theo tên các con sông lớn như sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Đà, sông Cả.
Theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.
Các chung cư ở Hà Nội chống chọi được động đất cấp 7, cấp 8 trừ các khu chung cư cũ, xuống cấp |
GS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, theo bảng phân vùng về động đất của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, 8.
Vì vậy tất cả các công trình nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn được tính toán chống chịu động đất tới cấp 7 và có thể kiểm soát động đất lên tới cấp 8. Về mặt luật pháp đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.
Với các chung cư xây mới sau này, ông Chủng cho rằng những rung chấn không thể gây nứt vỡ cho công trình, mà chỉ có thể xảy ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, đối với những tòa nhà hiện đại được xây dựng mới hiện nay thì có thể yên tâm về khả năng chống chịu động đất, nhưng lo lắng lớn nhất là các tòa nhà thấp tầng, các khu chung cư cũ như ở Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên... được xây dựng từ lâu.
Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Do đó, nếu động đất với cường độ 4-5 richter có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ.
Hướng dẫn người dân sống tại chung cư ứng phó với động đất
Tùy thuộc độ lớn của động đất thì cư dân trên các tòa nhà sẽ cảm thấy sự dao động của công trình khác nhau: Cấp 3-4 có thể không cảm thấy gì, cấp 5-6 có thể cảm thấy rung lắc nhẹ như trong rung chấn ngày 24/3, cấp 7 sẽ cảm nhận rõ dao động.
Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội, từ các cơ quan chức năng đến người dân đều không được trang bị những kiến thức về động đất cũng như các kỹ năng cần thiết để phòng và đối phó với thảm họa này.
Không được trang bị các kỹ năng ứng phó một cách bài bản và chính thống, phản ứng của người dân khi có động đất là hoảng loạn và "mạnh ai nấy chạy".
Phần lớn mọi người đều đổ xô chạy vào thang máy và chạy theo thang thoát hiểm xuống mặt đất trong khi các tòa nhà chung cư vẫn đang "lắc lư". Đây là một hành động sai lầm bởi nếu động đất mạnh xảy ra, các khu vực này lại là nơi có tử vong nhiều nhất. Nếu có động đất và mất điện, chỉ được dùng đèn pin và tuyệt đối không được bật diêm, bật lửa vì có thể gây hỏa hoạn.
Do đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về bản chất, tác hại và phương thức phòng tránh động đất là rất cần thiết.
Theo hướng dẫn kỹ năng cơ bản để đối phó với động đất của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, trong khi động đất xảy ra, nếu người dân đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc thì hãy ở yên đó và bảo vệ bản thân khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn làm việc.
Nếu đang ở bên ngoài hãy chạy ngay tới các vùng đất trống nhưng tránh xa các con đường có nhiều nguy cơ, các đường ống ngầm, các cột điện và các công trình xây dựng khác có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống; tránh xa các tòa nhà có nhiều cửa kính.
Nếu đang lái xe, bạn hãy cố gắng vào bên đường và dừng lại; Đừng cố chui hoặc vượt qua cầu vì nó có thể bị sập; Nếu bạn ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì có thể bị lở đất; Nếu người dân ở dọc bờ biển và cảm thấy động đất lớn đến mức khó có thể đứng vững, nó thường gây ra sóng thần thì hãy chạy nhanh khỏi bãi biển tới vùng đất cao hơn.
Sau khi động đất xảy ra, người dân nên cẩn trọng với các dư chấn. Sau khi chấn động chính dừng, thật nhanh chóng và thận trọng rời khỏi nhà. Người dân không được sử dụng thang máy, không vào các tòa nhà đã bị hư hại; Hạn chế sử dụng điện thoại trừ khi thật cần thiết.
Người dân nên chú ý không sử dụng thang máy sau khi xảy ra động đất |
Việc đầu tiên cần làm là kiểm tra bản thân có bị thương tích không trước khi đi giúp đỡ người khác; Ngoài ra, cần lưu ý mức độ hư hỏng của đường ống nước và đường điện. Việc đổ tràn của hóa chất, chất độc hại và các chất dễ cháy, van gas có thể bị bung ra.
Đặc biệt, cần luôn cập nhật thông tin, mở máy phát thanh và chú ý nghe những thông báo về trận động đất và cách giữ an toàn.