Thủ tướng chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả động đất tại Kon Tum
Động đất nghiêm trọng nhất tại Afghanistan kể từ năm 2002: Hơn 1.000 người thiệt mạng Động đất 4.7 độ Richter tại tỉnh Kon Tum Trận động đất ở Kon Plong (Kon Tum): Mạnh nhất trong hơn một thế kỷ |
Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Vật lý Địa cầu.
Công điện nêu rõ: Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất, dư chấn động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.
Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tập trung một số nhiệm vụ.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó phù hợp.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.
Các địa phương cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong Nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).