Chủ động phòng chống xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tình trạng xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân
Bài liên quan
Cảnh báo nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ động ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt
Nhiều khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong năm nay
Việt Nam nỗ lực hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu
Gia tăng xâm nhập mặn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, từ tháng 6-8 năm nay, mực nước thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5m đến 5,0m, ở trung và hạ lưu thấp hơn từ 2,5m đến 3,5m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010 (năm thiếu hụt kỷ lục).
Cùng với đó, khi thủy điện trên dòng chính ở thượng lưu và các thủy điện dòng nhánh tích nước sử dụng cho mục đích riêng, dẫn đến mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ thiếu nước, xâm nhập mặn gia tăng.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa khá thấp. Tiếp đó là chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn đều đồng loạt tích nước vào hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Nếu các tỉnh đầu nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) sẽ làm các vùng ven biển khan hiếm nước hơn.
Nước mặn sẽ theo thủy triều dấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại. Tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt sẽ tăng nhu cầu khai thác nước ngầm làm tình trạng lún sụt đồng bằng thêm nặng nề.
Nhiều chuyên gia về thủy văn đánh giá, khả năng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019 thay vì tháng 3, tháng 4 năm 2020 với mức độ khốc liệt. Hiện có những điểm đã xâm nhập mặn 40-50km, dự báo cao điểm vào tháng 1-2020 có những nơi xâm nhập mặn có thể vào tới 100km. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố khu vực này cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống.
Khẩn trương triển khai các biện pháp
Có thể thấy rằng, rủi ro hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cao và có nguy cơ gay gắt, thậm chí ở mức khốc liệt. Chính vì vậy, các địa phương cần bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Giải pháp trước mắt nhằm đối phó tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Trong cơ cấu nông nghiệp trước đây là lúa - thủy sản - cây ăn quả, thì theo định hướng hiện nay là thủy sản - cây ăn quả - lúa.
Tình trạng xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự dao động của nước mặn, nước lợ khó quản lý. Có những năm, mặn chỉ xâm nhập 10km nhưng năm nay có khả năng lên đến 40km. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có cảnh báo sớm để địa phương sắp xếp sản xuất, giảm thiệt hại. Ngoài ra, cần đầu tư để có những công trình bảo đảm cung cấp đủ "nước ngọt sạch" và "nước mặn sạch" cho nuôi trồng thủy sản và khống chế mặn không xâm nhập quá sâu vào nội đồng.
Về lâu dài, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ. Đồng thời tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nội dung xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam.
Một giải pháp trong những năm hạn nặng cũng cần được nhân rộng, đó là trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng trong mùa cạn. Có thể trữ nước ở quy mô lớn để dùng cho sản xuất toàn đồng bằng; quy mô trung bình như ở các kênh rạch và khu vực trũng tự nhiên để dùng cho mục đích địa phương và quy mô hộ gia đình.
Cụ thể, thời gian qua, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi chứa nước ngọt.
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng thời phải thường xuyên báo cáo và cung cấp thông tin độ mặn, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh về Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; tham khảo thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cung cấp hàng tuần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước.