Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai phức tạp, dị thường năm 2022
Thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, dị thường
Báo cáo về tình hình thiên tai năm 2021 tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Năm 2021, trên thế giới tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều trận thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Qua báo cáo thống kê, số người chết do thiên tai là 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD. Mức độ thiệt hại về thiên tai năm 2021 cao hơn nhiều so với năm 2020.
Ở trong nước, thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; Rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; Động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai…
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 |
Song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Sự nỗ lực của các Bộ ngành, cơ quan, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các địa phương và toàn hệ thống chính trị cơ sở. Do đó, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, các lĩnh vực kinh tế - xã hội từng bước được khôi phục; Những thiệt hại do thiên tai gây ra giảm đáng kể so với năm 2020.
Qua báo cáo thống kê cho thấy, năm 2021, số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua.
Trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2017 thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng. Qua số liệu như vậy để chúng ta cũng thấy được những thành quả của công tác phòng chống thiên tai năm 2021.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Nhấn mạnh về công tác phòng chống thiên tai trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Qua báo cáo nhận định về tình hình thiên tai năm 2022, chúng ta phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.
Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, thiên tai năm 2022 vẫn sẽ còn khốc liệt |
“Ngày 21/4/2022, tôi đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đon vị cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai.
Các Bộ, ngành cũng cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Khi tình huống thiên tai, sự cố xảy ra, phản ứng nhanh chóng, kịp thời, chính xác của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của cấp ủy Đảng, chính quyền và các lực lượng ở cơ sở (cấp xã, huyệt) là rất quan trọng, đóng vai trò quyết định đến hiệu quả chung.
Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường |
Vì vậy, cần củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở (lực lượng trực tiếp nhất, có trách nhiệm xử lý theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra thiên tai, sự cố). Bên cạnh đó, cũng phải từng bước xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống phức tạp.
Cùng với việc hoàn thiện lực lượng phòng chống thiên tai cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố; Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường và hoạt động hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.
Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương cần, quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. Bởi đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững; Cần quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hoá nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực; Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt...