Chủ động tháo dỡ "chuồng cọp" để thoát hiểm an toàn khi cháy nổ
“Vật cản” cho công tác cứu hộ cứu nạn
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tình trạng các nhà cao tầng được quây kín bằng hệ thống “chuồng cọp” với mục đích phòng trộm cắp diễn ra khá phổ biến trên khắp các quận nội thành Hà Nội.
Đáng nói, chính hệ thống “chuồng cọp” đó đã gây cản trở rất lớn cho công tác thoát hiểm cũng như cứu hộ, cứu nạn khi không may xảy ra cháy nổ. Thực tế, đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận, cứu nạn người dân kịp thời khi xảy ra hoả hoạn.
Đơn cử như tháng 5/2023, ngôi nhà 4 tầng tại phường Quang Trung, quận Hà Đông đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Một số người dân cho biết khi phát hiện hỏa hoạn, có người mắc kẹt bên trong nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.
Tiếp đó, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) đêm 12/9/2023 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với cách “bảo vệ” nơi ở bằng “chuồng cọp”.
Nhiều hộ dân đã chủ động tháo dỡ “chuồng cọp” để thoát hiểm an toàn khi xảy ra cháy nổ. |
Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy, “chuồng cọp” càng kiên cố thì khả năng thoát nạn khi có hỏa hoạn càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể tới việc, đây cũng trở thành “vật cản” đối với công tác tiếp cận hiện trường của lực lượng chức năng.
Thực tế ở nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, lực lượng cứu hộ phải dùng búa, kìm cộng lực phá các lớp hàng rào sắt kiên cố mới tiếp cận được các nạn nhân. Công tác này thường mất nhiều thời gian nên nguy cơ nạn nhân bị ngạt khói dẫn đến tử vong là rất lớn.
Do đó, tại các quận huyện, các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền tới người dân về nguy cơ mất an toàn của hệ thống “chuồng cọp”. Quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, nhiều người dân cho rằng, việc lắp đặt "chuồng cọp" là để bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống trộm cắp.
Tuy nhiên, các cán bộ tuyên truyền giải thích rõ, kết cấu của ban công, hành lang của căn hộ đã được thiết kế lớp cửa an toàn nên việc lắp đặt thêm các khung sắt kiên cố là điều không cần thiết. Trong trường hợp cần thoát hiểm thì các khung sắt này lại chính là những vật cản khó vượt qua, nhất là đối với người già và trẻ em. Vì vậy, cần tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát hiểm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tháo “chuồng cọp” mở lối thoát hiểm
Sau một số vụ cháy gây thiệt hại nặng nề, nhiều chủ nhà trọ, chung cư mini, nhà dân trên địa bàn Thủ đô đã chủ động cắt, mở “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm khi sự cố bất ngờ xảy ra.
Tại quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, trong hai ngày cuối tuần qua, nhờ sự vận động của công an và các lực lượng chức năng, nhiều người dân khu vực phố cổ đã chủ động tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát hiểm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đến nay, hầu hết những nhà có “chuồng cọp” trong 6 khu tập thể cũ phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã tháo dỡ khung sắt bịt kín ban công, tạo lối thoát hiểm thứ ba khi xảy ra sự cố.
Việc mở lồng sắt, “chuồng cọp” chính là mở đường sống cho mọi người dân khi xảy ra hỏa hoạn |
Đặc biệt, Công an quận Hoàn Kiếm và chính quyền, Công an phường Chương Dương đã tiếp tục triển khai các mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm bốn tại chỗ”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “ Khu chung cư, nhà tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
Trong đó, tập trung việc vận động các hộ gia đình mở lối thoát nạn tại các song sắt chắn cửa sổ, lồng sắt, “chuồng cọp” bằng nhiều hình thức, như: Cán bộ cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vào từng nơi để tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; niêm yết các áp phích, khuyến cáo tuyên truyền, cảnh báo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… được Nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.
Anh Vũ Quang Vinh (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Nhà tôi ngay sát trục đường chính, ban công trông ra đường, lâu nay tôi làm “chuồng cọp” nhằm bảo vệ tài sản là chính. Tuy nhiên, những năm gần đây ngày càng nhiều vụ cháy xảy ra, sau khi nghe lực lượng chức năng tuyên truyền về việc cần có lối thoát hiểm khi cháy nổ, tôi thấy hợp lý nên cắt một số thanh “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm. Tôi còn trang bị bình cứu hỏa trong nhà, học cách sử dụng bình”.
Tương tự, anh Trần Anh Tú (Phúc Tân, Hoàn Kiếm) cho hay: “Tôi mua căn nhà 5 tầng xây sẵn, hệ thống “chuồng cọp” đều đã được lắp sẵn tại mỗi tầng nhưng sau nhiều vụ cháy nhà dân thời gian qua, có lẽ tôi phải nhìn nhận lại về mức độ an toàn của hệ thống này”.
Có thể nói, việc mở lồng sắt, “chuồng cọp” chính là mở đường sống cho mọi người dân khi xảy ra hỏa hoạn. Do đó, mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong từ “giặc lửa”.