Chủ nhiệm CLB HDV Du lịch Lý Sơn: ‘Muốn du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, cần phải đầu tư hạ tầng dịch vụ’
Quảng Ngãi: Giảm khoảng 50% lượng người dân về Lý Sơn đón Tết Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn sẽ được gắn mã QR ở 28 điểm du lịch |
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Đó là nội dung chính xoay quanh cuộc trao đổi giữa anh Lê Văn Sinh, Chủ nhiệm CLB HDV Du lịch Lý Sơn với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô vào những ngày cận Tết Tân Sửu 2021.
Phóng viên: Không chỉ đơn thuần là “bắt tay” nhau trong công việc, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên (CLB HDV) Du lịch Lý Sơn ra đời với những mong muốn còn hơn thế nữa?
Anh Lê Văn Sinh: Trước nhu cầu thực tế, ngày 11/9/2019, CLB HDV Du lịch Lý Sơn được thành lập với 27 thành viên, đến hôm nay là 29 thành viên. Không chỉ là hỗ trợ nhau trong công việc, các thành viên trong CLB còn ý thức muốn xây dựng một thương hiệu chỉnh chu hơn cho du lịch Lý Sơn, có như vậy mới khai thác triệt để thế mạnh tiềm năng du lịch của Lý Sơn.
Tất nhiên, đường đến đích ấy còn xa, nhưng anh em nghĩ rằng cần phải thực hiện ngay từ bây giờ. Thêm nữa, cũng là lúc anh em bắt tay nhau để thực hiện các hành động thiết thực với người dân.
Phóng viên: Anh có thể kể một ví dụ cụ thể được không?
Anh Lê Văn Sinh: Cách đây mấy ngày, anh em trong CLB cùng với chính quyền địa phương đã thực hiện xong chương trình “Chia sẻ lo toan, cùng vui đón Tết”. Đó là chương trình hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho nông dân Lý Sơn vào dịp cuối năm, vì lượng tỏi còn tồn nhiều.
CLB đã khảo sát 33 hộ dân, sau đó chọn 22 hộ dân còn tồn đọng tỏi để hỗ trợ tiêu thụ. Mục tiêu của kế hoạch là muốn hỗ trợ toàn bộ hộ đã khảo sát, tuy nhiên, do không đảm bảo được lượng đầu ra, nên CLB chỉ có thể hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho 22 hộ dân theo thứ tự ưu tiên các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Kết quả, chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ được hơn 2,4 tấn tỏi cho 22 hộ nông dân. Sau khi thanh toán tiền cho bà con và trừ các khoản chi phí, số tiền dư gần 23 triệu đồng được sử dụng làm chương trình hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đón Tết.
CLB HDV Du lịch Lý Sơn giúp nông dân Lý Sơn tiêu thụ tỏi. (Ảnh: CLB HDV Du lịch Lý Sơn cung cấp) |
Phóng viên: Năm 2020 khép lại với những bộn bề bởi thiên tai, dịch Covid-19 khiến cho du lịch Lý Sơn rơi vào cảnh “thê thảm”. Vậy, kế hoạch của năm 2021 là gì?
Anh Lê Văn Sinh: Năm tới, các cấp chính quyền đang có có hoạch mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho HDV tại các điểm du lịch. Việc này sẽ có sự kết hợp với chính quyền địa phương, các trường đại học, tất nhiên là nếu tình hình dịch Covid-19 được khống chế.
Cần phải nâng cao kiến thức, kỹ năng thuyết trình tại các điểm du lịch ở địa phương để việc phục vụ du khách dần đi vào chuyên nghiệp hơn. Đã có tình trạng HDV từ nơi khác đưa khách về, nhưng tại các điểm du lịch, họ thuyết trình không đúng. Việc này, lãnh đạo huyện cũng “nhờ” anh em trong CLB lưu ý, nhanh chóng thông tin để để kịp thời chấn chỉnh. Việc mở lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng thuyết trình điểm nhằm khắc phục những vấn đề đó.
Du khách tham quan chùa Đục trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Phóng viên: Không thể phủ nhận thương hiệu du lịch đảo Lý Sơn được tạo dựng trong những năm gần đây. Nhưng là người trong nghề, anh nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?
Anh Lê Văn Sinh: Đúng vậy. Không thể phủ nhận sự phát triển du lịch Lý Sơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để du lịch Lý Sơn phát triển hơn nữa đúng với tiềm năng, thì cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ với những chiến lược dài hơi.
Du lịch Lý Sơn cần phải bước qua ranh giới manh mún và tự phát. Để làm được điều đó, cần phải có sự đầu tư hợp lí mà trước mắt là cần phải xây dựng được hạ tầng và hệ thống dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách đi đi du lịch Lý Sơn.
Đua thuyền Tứ linh, lễ hội thu hút nhiều du khách đến với đảo Lý Sơn. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Phóng viên: Anh vừa nhắc đến hạ tầng và hệ thống dịch vụ du lịch, anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Anh Lê Văn Sinh: Hiện hạ tầng và hệ thống dịch vụ du lịch ở đảo Lý Sơn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Họ đến Lý Sơn du lịch, hẳn nhiên là cần phải tham quan này kia, nhưng sự thiếu vắng các dịch vụ giải trí đã khiến họ không ít hụ hẫng.
Gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến kinh tế đêm. Đó là điều mà các địa phương cần phải làm nếu muốn phát triển, nhất là những địa phương có kinh tế phụ thuộc vào du lịch và dịch vụ du lịch. Lý Sơn cũng vậy.
Thường các tour ở Lý Sơn chủ yếu kéo dài 2 ngày 1 đêm. Nếu gấp gáp, du khách có thể đi hết các điểm nhưng không đủ thời gian để thực hiện cái gọi là trải nghiệm. Nhưng chúng ta lại thiếu các loại hình dịch vụ giải trí của cái gọi là kinh tế đêm, nên không đủ sức để “kéo” du khách ở thêm ít nhất một ngày hay một đêm được nữa. Việc này đồng nghĩa là hiệu quả chưa được cao.
Bãi Sau ở đảo Bé. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Phóng viên: Nhưng như vậy là chưa đủ?
Anh Lê Văn Sinh: Đúng vậy! Các cấp chính quyền cần phải xây dựng và duy trì được các hoạt động để thu hút du khách đến với Lý Sơn vì những hoạt động đó ngoài thu hút du khách đến với Lý Sơn, còn giúp quảng bá du lịch Lý Sơn. Gần đây nhất, là cuộc thi dù lượn hay giải marathon đã thu hút khách đến Lý Sơn rất nhiều.
Tiếc là các hoạt động ấy chưa được vào nếp, cần phải vào nếp mới liên tục tạo nên sức hút cho du lịch Lý Sơn được. Nhìn gần ra, Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), TP Đà Nẵng,… du lịch họ phát triển mạnh cũng là nhờ các hoạt động thu hút du lịch thường xuyên. Du lịch Lý Sơn muốn phát triển bền vững, cũng phải cần như vậy.
Tất nhiên, việc xây dựng các hoạt động đấy phải phù hợp với thực tế của Lý Sơn, vì có như vậy, mới có được nét riêng, thương hiệu riêng cho Lý Sơn. Nếu tôi là du khách, tôi sẽ không phí thời gian và tiền bạc để đến nơi mà nơi đó na ná nơi khác, trong khi chất lượng dịch vụ lại tốt hơn rất nhiều.
Tháng 5/2019, lần đầu tiên Lý Sơn tổ chức Lễ hội dù lượn. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Phóng viên: Một vấn đề nữa, là có vẻ du lịch Lý Sơn đang bỏ qua các tour du lịch trải nghiệm?
Anh Lê Văn Sinh: Cũng không hẳn vậy. Thực tế là có một số người đã làm các tour trải nghiệm như bắt cua đá, lặn ngắm san hô,…
Tuy nhiên, vẫn chưa khai thác hết những thứ mà thiên nhiên có thể dành cho du khách trải nghiệm khi đến du lịch tại đảo Lý Sơn. Thêm nữa, tự phát cũng đang là vấn đề cần phải xóa bỏ và làm theo hướng chuyên nghiệm hơn.
Chuyên nghiệp ở đây là phải cho du khách trải nghiệm một cách chân thực và sinh động nhất, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!