Chú trọng chất lượng dịch vụ công trực tuyến
VNPT mở rộng băng thông, đảm bảo đường truyền internet thông suốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến |
Mang lại nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn những hạn chế
Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho rằng các cơ quan Nhà nước cam kết có thể cung cấp được bao nhiêu dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 mới chỉ là bước đầu tiên, bởi vấn đề còn nằm ở chất lượng dịch vụ.
Trong quá trình doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ, vẫn có thể nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn như giao diện không thân thiện, hướng dẫn không rõ ràng, hệ thống bị lỗi, xử lý chậm, đường truyền bị nghẽn... Do đó, chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tính hiệu quả của những khoản đầu tư công nghệ thông tin của các bộ vẫn là số lượng, tỷ lệ hồ sơ làm trực tuyến.
Tuy nhiên, trong 17 bộ được nhóm nghiên cứu khảo sát vào tháng 11/2019, chỉ có 8 bộ công bố thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Một số bộ có số hồ sơ trực tuyến rất ít như Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp không có hồ sơ nào; Bộ Ngoại giao có 1 hồ sơ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 9 hồ sơ; Bộ Giao thông vận tải có 14 hồ sơ.
Chị Nguyễn Thụy Ngân Hà, Công ty TNHH Trạng Nguyên, huyện Hóc Môn (TP HCM) chia sẻ: “Công ty thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ năm 2017, nhận thấy rất dễ, nhanh và có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào miễn là có mạng internet; tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến hiện nay có hạn chế là phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền mạng internet, tín hiệu mạnh gửi nhanh, còn tín hiệu chậm thì phải làm lại từ đầu”.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện một số sở, ngành, quận, huyện cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến khiến người dân, doanh nghiệp ngại sử dụng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến của cơ quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sửu dụng dịch vụ công trực tuyến; Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, việc kết nối và tích hợp phần mềm lý lịch tư pháp, hộ tịch trực tuyến trong dịch vụ công nhiều địa phương hiện nay đang triển khai và còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, phần mềm đang dùng hiện nay là phần mềm dùng chung của các Bộ ban ngành sử dụng chung toàn quốc nên có một số tính năng không phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Cải thiện dịch vụ công trực tuyến
Mục tiêu cuối cùng của dịch vụ công trực tuyến là người dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.
Để đảm bảo đường truyền internet, thông tin liên lạc được thông suốt, không bị gián đoạn, Bộ Thông tin & Truyền thông, Cục Viễn thông đã ban hành các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông triển khai phương án nâng băng thông đường truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến (dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến, làm việc trực tuyến, giao dịch điện tử, dạy và học trực tuyến,...) của người dân, cơ quan, tổ chức; bố trí nhân sự quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ và xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, có phương án đảm bảo thông tin liên lạc được hoạt động thông suốt trong mọi tình huống.
Đồng thời nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, các địa phương tiếp tục cần có giải pháp tinh giản thủ tuc hành chính; khẩn trương hoàn thiện cơ sở dùng chung trong đó có hệ thống dữ liệu về dân cư, hộ tịch, đất đai.
Ðể tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị, các địa phương tiếp tục gắn trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính các cấp nếu đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ;
Phát động các phong trào thi đua, phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân và doanh nghiệp; Ðẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn thành phố, thường xuyên theo dõi, có giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hiện tượng chậm trả kết quả...
Chắc chắn, với những giải pháp tích cực từ các cơ quan chức năng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến sẽ được cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cái đích quan trọng mà dịch vụ công trực tuyến hướng tới…
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |