Chuẩn bị kĩ lưỡng cho mùa lễ hội an toàn và văn minh
Học sinh hào hứng trải nghiệm Tết cổ truyền tại Festival Xuân 2024 Đảm bảo Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện Thực hiện nghiêm quản lý và tổ chức lễ hội tại Chùa Hương |
Nét truyền thống khi xuân về
Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất cả nước, trong năm 2024 sẽ có khoảng hơn 1.500 lễ hội được tổ chức.
Trong đó phải kể đến một số lễ hội lớn thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Láng, Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)...
Lễ khai hội Chùa Hương |
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024 Đặng Văn Cảnh cho biết, Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: Bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng.
Trước những giá trị đặc biệt của di tích, lễ hội mong muốn thu hút nhiều du khách về dự. Ban Tổ chức hy vọng, du khách thập phương gần xa thể hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, đồng thời, giữ gìn và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại.
Chương trình "Âm vang Mê Linh" |
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra đến hết ngày 10 tháng Giêng. Năm nay, ngoài các hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao vẫn được tổ chức phục vụ Nhân dân và du khách. Đáng chú ý là chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc với chủ đề "Âm vang Mê Linh".
Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Mê Linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên.
Hội Gióng tại Sóc Sơn |
Tại hội Gióng, theo nghi lễ truyền thống, đúng 7h sáng, lễ vật được các thôn, làng trên địa bàn bắt đầu rước vào đền. Dưới sự điều hành của chủ tế, 8 xã lần lượt cung tiến lễ vật: Giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Sau nghi thức rước và tế lễ, các vật phẩm giò hoa tre và trầu cau được đưa về đền Hạ và đền Mẫu, để phát cho người dân có nhu cầu.
Phần hội năm nay có sự tham gia của nhiều tổ chức hội, đoàn thể và Nhân dân các địa phương. Ngoài hoạt động thi đấu thể dục thể thao (vật, bóng chuyền hơi), sẽ có các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm. …
Năm nay, trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện trong lễ hội. Ngoài ra, người dân và du khách còn được xem cuộc thi Cầu Húc và các chương trình nghệ thuật đặc sắc được lên kịch bản, biểu diễn bởi các tổ chức hội (phụ nữ, nông dân), đoàn thanh niên và Nhân dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Văn minh, an toàn để lễ hội thêm ý nghĩa
Rút kinh nghiệm từ những mùa trước, thực hiện kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội, các địa phương đã tích cực vào cuộc với những phương án triển khai bài bản và hiệu quả.
Lực lượng chức năng phân luồng giao thông tại Lễ hội Chùa Hương |
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, Ban quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.
Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh.
Du khách trẩy hội Chùa Hương |
Tại các khu vực bến xe, bến thuyền, đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục, kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá, "chặt chém" du khách".
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội Gióng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết thêm, để có được kết quả này, địa phương rất chú trọng công tác tuyên truyền đến bà con, thực hiện đúng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Năm nay, Ban tổ chức chuẩn bị không gian đủ rộng để các thôn, xã thực hiện các nghi lễ, nhịp nhàng không lộn xộn.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí điểm tán lộc tại cung cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… không có chuyện tranh cướp lộc, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. Chính vì vậy hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.
“Ban tổ chức bố trí các điểm bán hàng theo đúng quy hoạch, không có điểm bán hàng tự phát. Các đơn vị đăng ký bán hàng phải ký cam kết nên bảo đảm công tác vệ sinh an toànthực phẩm. Bên cạnh đó còn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành.
Huyện Sóc Sơn đã bố trí lực lượng an ninh chia ra các điểm chốt trực, bảo đảm an toàn trong những ngày diễn ra lễ hội. Hiện có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên được chia thành nhiều điểm túc trực để bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy trong những ngày diễn ra lễ hội”, đồng chí Tống Giang Phúc khẳng định.
Người dân cũng cần phối hợp với các lực lượng chức năng để chung tay vì mùa lễ hội an toàn |
Để chuẩn bị công tác khai hội Đền Hai Bà Trưng, từ chiều mồng 5 cho đến hết ngày mồng 6 Tết, các hàng quán tại khu vực xung quanh Đền tạm dừng hoạt động để triển khai vệ sinh môi trường, chỉnh trang, phân luồng giao thông phục vụ chương trình tổng duyệt (diễn ra tối 14/2/2024, tức mồng 5 Tết) và các hoạt động cho lễ khai mạc (diễn ra vào 20h tối 15/2/2024, tức mồng 6 Tết Giáp Thìn).
Lãnh đạo Công an huyện Mê Linh, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đội Thanh tra Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan đã báo cáo phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn lưới điện,… phục vụ lễ hội.
Đáng chú ý, Công an huyện Mê Linh đã bố trí 6 tổ công tác, 24 chốt và 5 vòng xuyến đảm bảo an toàn tại các khu vực bên trong và bên ngoài khuôn viên Đền; đồng thời có phương án phân luồng giao thông tại tuyến đường Quốc lộ 23B, đường Mê Linh, đường nối từ đường 23 vào Đền Hai Bà Trưng, đường đê tả sông Hồng...
Mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu nhưng sự chuẩn bị kĩ càng của các địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị cùng với tâm thế đi hội văn minh, ứng xử văn hóa của Nhân dân cho thấy tín hiệu vui, hứa hẹn những hoạt động này sẽ diễn ra an toàn, đậm nét văn hóa. Có như thế, lễ hội mới phát huy được giá trị trong thời hiện đại, hòa mình vào dòng chảy của nhịp sống người dân và thực sự là những hoạt động mang lại lợi ích cho chính du khách cũng như địa phương diễn ra lễ hội.