Chuyển đổi số: “Chìa khóa” phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam
Xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại
Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Đã có nhiều nông dân xuất sắc, dẫn dắt hàng triệu hội viên nông dân cùng chuyển đổi số. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình.
Nhận thức rõ được ý nghĩa và vai trò của chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất; Cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản... Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và đây là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất |
Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực này. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Với sự quan tâm, xây dựng ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc thúc đẩy chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo, nhà nghiên cứu và người làm nông nghiệp, tại những địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Kết quả đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; Mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; Mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; Mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản...
Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững |
Nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách phải hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở chiều ngược lại, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nền nông nghiệp Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”
Thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo việc triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… dần thay đổi phương thức từ “quản lý thủ công” sang “quản lý dựa vào công nghệ số”. Đây là bước tiến quan trọng của ngành trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, giúp đổi mới quản lý ngành nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
“Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp không hề có công thức chung, phải được điều chỉnh để phù hợp cho từng địa phương, trang trại và hộ nông dân. Tùy hoàn cảnh, đặc điểm và cả ngân sách của đơn vị, địa phương mà có thể chỉ cần áp dụng công nghệ đến mức phù hợp, cho đến khi nào cần thì có thể đưa công nghệ ứng dụng ở mức cao hơn, phù hợp hơn với mô hình cũng như hoàn cảnh cụ thể. Muốn chuyển đổi số thành công, trước tiên phải hình thành được đội ngũ nông dân có thể làm chủ được công nghệ, biết áp dụng chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Có thể nói rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, “chìa khóa” để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ. Mỗi bước đi cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, “chìa khóa” để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng |
Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp cần phải làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh lạm dụng xảy ra quá tải và lạc hướng.
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lựa chọn hai lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số...
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với kế hoạch cụ thể và những bước đi thận trọng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đón nhận cơ hội chuyển đổi số để tạo ra những bước đổi mới cơ bản cho nông nghiệp Việt Nam.