Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao
Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc đảm bảo an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...
Việc đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp |
Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng là nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng… Trong chăn nuôi là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (đã được ứng dụng với 100% đàn bò sữa và 80% đàn bò thịt). Còn với lĩnh vực thủy sản là ứng dụng công nghệ "sông trong ao", làm giàu ô xy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc…
Một trong số những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ đô phải kể đến chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức). Hiện công ty có 3.000m2 trồng nấm sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi ngày công ty sản xuất được 3 tấn nấm các loại.
Hay như Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) có 5ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới tự động. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao, toàn bộ quy trình sản xuất các loại rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học nên không chỉ hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết, mang lại năng suất cao, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, được thị trường ưa chuộng. Từ đó, các sản phẩm của hợp tác xã được lựa chọn để cung cấp thường xuyên cho các trường học trên địa bàn huyện và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị… Theo Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối, công nghệ này không chỉ hạn chế được tối đa sâu bệnh mà còn giảm công chăm sóc, giá trị canh tác bình quân đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng là nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng |
Ngoài ra còn có Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), hiện công ty đã liên kết với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt... và thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm trên dây chuyền công nghệ tiên tiến để bảo đảm an toàn thực phẩm. Công ty cũng mở 134 điểm bán thực phẩm sạch nhằm bảo đảm cung ứng thực phẩm chế biến cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ, như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến… giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này cũng giúp giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như thời tiết, khí hậu…
Xây dựng vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp
Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, như rau, hoa, cây ăn quả...
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, những kết quả của bước đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.
Đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội |
Nhấn mạnh về hướng đi của ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Những năm tới thành phố sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác.
Cùng với đó, thành phố cũng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; Xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.
Để tạo đột phá trong thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao |
“Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…”, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con Nhân dân, hi vọng rằng, giai đoạn tới ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.