Chuyện tác nghiệp của phóng viên thời Covid
Nhà báo - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 |
Khi tôi ngỏ lời muốn viết đôi dòng về họ, những đồng nghiệp này đều khiêm tốn với lý do “đó là nhiệm vụ của người làm báo”. Thế nhưng, có được nghe những câu chuyện tác nghiệp của phóng viên từ khi dịch bệnh ập đến, mới thấy bằng cách này hay cách khác, những người làm báo đã góp sức không nhỏ cho cuộc chiến của nhân loại với “giặc Covid”.
“Mẹ ơi! Nay con có được ôm mẹ không!?”
Trong cuộc chiến chống “giặc Covid”, luôn đồng cam, cộng khổ và đóng vai trò “người kể chuyện” về các chiến sĩ ở tuyến đầu chính là đội ngũ nhà báo theo dõi lĩnh vực y tế. Dù chỉ mới bước chân sang mảng y tế chưa đầy 2 năm nhưng nhắc đến nhà báo Trần Thị Thảo, phóng viên Ban Văn hóa & Đời sống (Báo Kinh tế và Đô thị), ai cũng nhớ ngay đến hình ảnh nữ nhà báo nhỏ bé, luôn mang theo mình chiếc ba lô nặng trĩu máy tính, máy ảnh và đặc biệt là sự nhiệt huyết với nghề.
Chị Thảo vốn xuất thân là phóng viên nội chính theo dõi các hoạt động đoàn thể. Gần 2 năm trước, chị được phân công sang Ban Văn hóa & Đời sống và theo dõi mảng y tế. Đối với người nhiều năm viết về đoàn, hội như chị Thảo, áp lực khi đó không phải là nhỏ. Lại càng vất vả hơn cho chị khi dịch Covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm đó.
SARS-CoV-2 là loại vi rút mới với tốc độ lây lan và gây tử vong cao trên toàn thế giới, nên ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, các thông tin y tế luôn được người dân Thủ đô rất quan tâm. Mỗi ngày, chị Thảo phải làm trung bình 8-10 tin, bài, có khi cao điểm lên tới 15 tin, bài. Có hôm, chị ngồi từ sáng sớm sáng tới 12h đêm không hết việc, đặc biệt là khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ làm bài chuyên sâu.
Nhà báo Trần Thị Thảo phỏng vấn bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Có lẽ bởi thế, từ một người phụ nữ luôn dành thời gian chăm sóc gia đình, thì giờ đây thời gian biểu của cả gia đình chị cũng bị đảo lộn theo bởi những tin, bài “nóng” cần đẩy gấp. May mắn cho chị là luôn được chồng ủng hộ, hiểu cho công việc của chị nên tình nguyện chia sẻ việc gia đình, chăm sóc con cái.
“Nhiều người vẫn hỏi, đi nhiều thế không sợ hay sao? Sợ chứ, ban đầu sợ vì thực sự chưa hiểu lắm về bệnh. Sau này vẫn còn chút sợ vì mình có con nhỏ, phải bảo đảm sức khỏe cho con. Vì thế, mỗi lần đi tác nghiệp, mình phải dặn dò các con trước là đừng ôm mẹ, phải chờ mẹ đi tắm rửa sạch sẽ xong mẹ sẽ ôm con. Dù các con đều rất nghe lời nhưng mỗi khi nghe con hỏi "Mẹ ơi! Nay con có được ôm mẹ không?!" là mình lại rưng rưng”, chị Thảo kể. |
Trong suốt 4 đợt dịch, chị Thảo từng đặt chân đến những nơi mà nguy cơ lây nhiễm rình rập như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và theo chân các Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện đi lấy mẫu bệnh phẩm…
Từ các bệnh viện, phòng thí nghiệm, TTYT… chị được chứng kiến nhiều câu chuyện bình dị nhưng thật ý nghĩa, nhờ đó giúp chị có thêm nhiều động lực để thực hiện trọn vẹn các bài viết, chuyển tải được thông tin và thông điệp đến bạn đọc. Trong đó sự vất vả hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ các tuyến cơ sở đêm ngày rong ruổi khắp các điểm nóng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để lại trong chị nhiều ấn tượng sâu sắc, từ đó đã giúp chị “khai hoa nở nhụy” ra tác phẩm “Những thợ săn vi rút giữa lòng Thủ đô”- tác phẩm đạt giải đặc biệt Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt TP Hà Nội năm 2020.
Những chuyến đi, không phải lúc nào cũng chỉ có lo lắng và áp lực, mà đôi khi có cả những niềm vui. Chị nhớ nhất khi theo chân đội phản ứng nhanh của TTYT quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Đà Nẵng. Đến khu vực lấy mẫu bệnh phẩm, đội ngũ y tế đã cho phép phóng viên vào hiện trường. Đó là lần đầu tiên chị thảo tác nghiệp với áo bảo hộ nên vô cùng luống cuống, đội trưởng đội phản ứng khi ấy cứ nghĩ là nhân viên lại dùng bảo hộ không đúng quy cách nên không ngừng khiển trách, đến khi phát hiện ra không phải thì luôn miệng xin lỗi.
Vào điểm “nóng” để có tin mới, tin độc
Với vị trí là trung tâm, nơi giao thoa nhiều tỉnh thành, lượng người đông đúc, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 luôn thường trực, việc thông tin tuyên truyền của Hà Nội trong mỗi thời điểm dịch luôn có vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ phải cập nhật từng phút, từng giờ, mà còn phải khéo léo, để người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không lo lắng hoang mang thái quá.
Trong bối cảnh đó, những phóng viên chuyên theo dõi mảng thời sự đã xác định tâm thế tác nghiệp mới. Đó là những ngày tháng, không chỉ sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh mà còn là những thách thức trên mặt trận thông tin, để có được tin bài “nóng” hổi, độc đáo riêng biệt, phản ánh bức tranh toàn cảnh về dịch Covid-19.
Là phóng viên có nhiều năm tác nghiệp tại khu vực miền núi, trải qua không ít những nhọc nhằn, khó khăn trong nghề nhưng những ngày tác nghiệp trong tâm dịch vẫn luôn là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cầm bút của nhà báo Nguyễn Thắng - phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hà Nội. Bởi đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức lớn với người cầm bút, không những phải tác nghiệp nhanh, chính xác mà còn cần thận trọng, an toàn. Nó đòi hỏi người phóng viên phải tự trang bị cho mình những kỹ năng tác nghiệp mới.
Nhà báo Nguyễn Văn Thắng tác nghiệp tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh |
“Khoảng thời gian đầu khi dịch bùng phát, ngày nào tôi cũng phải lo thu thập, tìm kiếm thông tin về Covid-19, ám ảnh đến mức nhiều khi ngủ mơ cũng nhớ đến Covid-19. Bởi chưa bao giờ thông tin lại nhanh lạc hậu như thế, cứ viết bài xong 5 phút sau thì thông tin đã nguội. Vì vậy, dù căng thẳng, mệt mỏi, chúng tôi luôn phải tìm những hướng khai thác riêng để đáp ứng nhu cầu bạn đọc”, anh Thắng kể. |
Và để có những những tin mới, độc quyền, trong những đợt dịch “quét” qua Hà Nội, anh Thắng và đồng nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch bất kể ngày, đêm. Luôn ý thức được vấn đề an toàn, bản thân, trong hành trang mang theo mình, anh Thắng luân chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn. Đến mỗi đơn vị, đều nghe theo khuyến cáo của các đơn vị y tế, lực lượng chức năng. Lúc về đến nhà lại thực hiện các bước sát khuẩn, tắm, thay quần áo để riêng… để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh.
Ấy vậy mà anh từng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” khi con gái chạy về nhà khóc kể, hàng xóm không cho con chơi cùng các bạn, vì bố là phóng viên, suốt ngày đi tới các ổ dịch, “không biết đã lây nhiễm Covid từ lúc nào”.
Dù có đôi chút chạnh lòng nhưng anh cho biết: “Dù có khó khăn đến mấy thì những người làm báo chúng tôi sẽ vấn tiếp tục dấn thân bởi sứ mệnh của nhà báo là đưa đến thông tin mà người dân cần”.
Tạm biệt giày cao gót và váy áo điệu đà
Không phải là “phóng viên” trực chiến tại các điểm nóng nhưng nhà báo Trương Quỳnh Anh, phóng viên Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội cũng có những ngày tác nghiệp không thể nào quên. Vốn là phóng viên theo dõi mảng vă hóa-xã hội, khi dịch bệnh bùng phát, chị Quỳnh Anh được phân công đưa tin chuyên trách Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội. Làm song song 2 nhiệm vụ, nên những ngày cả nước phòng, chống dịch là những ngày chị quay cuồng trong các cuộc họp xuyên trưa, xuyên tối với lượng tin bài tăng theo “độ nóng” của tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
“Thường phóng viên nội chính bị mang tiếng là nhàn rỗi vì chỉ đưa tin từ cuộc họp nhưng từ khi dịch Covid xuất hiện, áp lực của phóng viên nội chính cũng không hề nhỏ”, chị cho biết. Đó là những cuộc họp bất ngờ chỉ báo trước 20-30 phút, những cuộc đi kiểm tra của lãnh đạo thành phố tới các “điểm nóng” chỉ nghe lệnh là lập tức lên đường; Là cuộc họp sau khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid đầu tiên, kết thúc lúc 1-2 giờ sáng.
Nhà báo Quỳnh Anh đưa tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. |
Đặc biệt, khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc tác nghiệp trở nên hạn chế, với vai trò riêng, Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội là một trong số ít những cơ quan báo chí được đặc cách tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Áp lực lúc này càng nhiều hơn với những phóng viên như Quỳnh Anh bởi phải phản ánh thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng nhất, sau đó thông qua Sở Thông tin và Truyền thông lan tỏa tới các cơ quan báo chí khác.
“Được trực tiếp dự các cuộc họp, nắm bắt thông tin nhanh nhất, đối với các phóng viên thời sự đó là một may mắn. Còn nhớ cuộc họp đầu tiên sau khi Hà Nội ghi nhận ca mắc ở Trúc Bạch kết thúc lúc 1- 2 giờ sáng, một mình trở về nhà, đường xa vắng, cộng thêm những hoang mang lo lắng trong đầu khiến mình bật khóc. Dần dần, việc tiếp xúc với thông tin liên tục và sớm nhất đã tạo nên một sự tự tin nhất định cho những phóng viên như mình", chị Quỳnh Anh kể. |
Những cuộc họp Ban Chỉ đạo thường bắt đầu lúc 5-6h chiều và kết thúc lúc 7-8 giờ tối, vì vậy việc đưa đón con, cho con ăn, dạy con học từ lâu nay chị đều phải nhờ cậy vào ông bà. Phần lớn xong xuôi công việc, về nhà tắm rửa, ăn tối xong thì cũng là lúc con chị đã yên giấc.
Nhưng đấy là những điều mà chỉ người trong cuộc biết, còn sau các đợt dịch, đồng nghiệp chỉ thấy, từ một nữ phóng viên quen trau chuốt hình ảnh bản thân, không biết từ lúc nào Quỳnh Anh đã “lột xác” thành phóng viên chiến trường. Tạm biệt giàu cao gót, những chiếc váy điệu đà, có những ngày chị chỉ kịp khoác lên mình chiếc áo phông, quần jean vội vã lên đường…
Không câu chữ nào diễn tả hết những hy sinh của các lực lượng nơi tuyến đầu để đem lại sự bình yên cho Thủ đô. Ngoài kia, còn rất nhiều những con người đang thầm lặng cống hiến sức mình cho cuộc chiến với “giặc Covid”, mà nếu kể ra, hẳn không đủ giấy mực.
Câu chuyện về chị Thảo, anh Thắng, chị Quỳnh Anh chỉ là một dấu chấm than nhỏ bé, tôi xin kể để chúng ta dừng lại một chút, nghỉ ngơi cho trận chiến trên mặt trận thông tin vẫn còn đợi mình phía trước.