Nhà báo - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Để có được những tin tức nóng hổi, bức ảnh chân thực, phóng viên không ngại lăn xả (Ảnh: Reuters)
Bài liên quan
Bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Kinh xuất hiện triệu chứng lạ
Sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí chống dịch COVID-19 có ý nghĩa lớn
Thành lập liên minh vắc-xin ngừa SARS-CoV-2
Đưa tin từ tâm dịch
Áp lực nặng nề nhất với những “chiến sĩ” tuyến đầu có thể kể đến là những ngày đầu tiên, khi đại dịch xảy ra toàn cầu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, chưa có phương pháp điều trị, tất cả các thông tin về virus SARS-CoV-2 đều vô cùng mới mẻ.
Còn nhớ khi tâm dịch Hồ Bắc (Trung Quốc) bị phong tỏa, phóng viên của các hãng thông tấn trên thế giới chấp nhận rủi ro để tiếp cận vùng dịch bằng đường bộ nhưng không thể vượt qua các hàng rào phong tỏa của chính quyền địa phương. Mọi tuyến giao thông vận tải ra vào Hồ Bắc đều bị chặn.
Việc bị chặn hỏi hay thậm chí bị tạm giữ đã trở thành chuyện quen thuộc trong hành trình di chuyển dọc ranh giới các tỉnh giáp Hồ Bắc của phóng viên.
“Trong gần hai tuần, chúng tôi bị chặn và hỏi chuyện bên lề đường, nhà ga và khách sạn. Đôi lúc, người địa phương gọi cảnh cảnh sát đến kiểm tra khi nhìn thấy những người nước ngoài trên đường. Nhân viên khách sạn thì báo cáo về các hoạt động của chúng tôi. Họ được yêu cầu khai báo khi phóng viên nước ngoài nhận phòng. Cảnh sát và các quan chức khác đến khách sạn của chúng tôi bất kể giờ nào”, nhóm phóng viên hãng Reuters kể lại.
Phóng viên đeo khẩu trang trong khi tác nghiệp (Ảnh: Penntoday) |
Vào được tâm dịch để tác nghiệp cũng có những cảm xúc lẫn lộn. Phóng viên họ Chu của tờ China Daily đã có mặt ở Vũ Hán đưa tin từ những ngày đầu dịch bùng phát. Anh chia sẻ: “Khó khăn khi thực hiện phóng sự trong điều kiện dịch bệnh như thế này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều khiến tôi không khỏi suy nghĩ khi chứng kiến sự buồn rầu của nhiều người đang sống chung với bệnh dịch, rồi nhân viên y tế, những người làm việc quên mình, không kể ngày đêm khám chữa và chăm sóc cho người bệnh. Tuy nhiên, giữa không khí ảm đạm của dịch bệnh, mọi người vẫn toát lên tinh thần lạc quan, niềm tin chiến thắng. Điều đó khiến những người làm nghề như chúng tôi như được tiếp thêm động lực”.
Nhà báo họ Chu từng tác nghiệp ở rất nhiều bệnh viện, mạo hiểm vào trong khu cách ly Trung Pháp của Bệnh viện Tong Ji thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung để ghi nhận thông tin dịch bệnh.
Mục Vĩ Đông là phóng viên tình nguyện tham gia tác nghiệp ở Vũ Hán. Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi có chút sợ hãi, bất lực khi nhìn thấy các bệnh nhân. Khi chứng kiến sự tận tâm, nỗ lực của các bác sĩ cũng như người bệnh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi sẽ dùng chút thời gian này để bên họ, cho dù không thể giúp đỡ được quá nhiều”.
Bị lây nhiễm SARS-CoV-2
Giữa tháng 2, khi dịch Covid-19 đang cao điểm ở Trung Quốc, Hàn Quốc thì tại Tây Ban Nha vẫn tụ tập trên các bãi biển hay quán cà phê. Thậm chí, hàng ngàn người dân vẫn đổ sang quốc gia Italy cổ vũ bóng đá.Anh Kike Mateu, một nhà báo ở Tây Ban Nha đã nhiễm Covid-19 khi tác nghiệp trong trận đấu UEFA Champions League giữa Atalanta và Valencia ở thành phố Milan. Theo thông tin được công bố, sau khi tác nghiệp trở về từ Italy thì nhà báo 44 tuổi này nhận thấy có triệu chứng cúm nên đã ngay lập tức tới bệnh viện để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy nhà báo này đã dương tính với SARS-CoV-2.
Mateu là ca đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Valencia. Vốn bản thân là một phóng viên, cùng với thái độ mong muốn hợp tác, anh đã chia sẻ kinh nghiệm của mình lúc mới bị mắc bệnh và khi cách ly, khiến nhiều người dân nhận thức được rõ được mối nguy hiểm của dịch bệnh.
Trước khi bị cách ly, Mateu kịp đăng tải một đoạn video lên trang Las Provincias, mô tả những triệu chứng khi mới bị mắc bệnh và cách làm thế nào để đảm bảo mình không lây nhiễm cho người xung quanh. Đoạn video này sau đó được ông Salvador Illa, Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha vỗ tay tán thưởng.
Phóng viên đóng vai trò là cầu nối truyền tải những thông tin chính xác và kịp thời về tình hình dịch Covid-19 vừa qua (Ảnh: IMS) |
Giống như các y bác sĩ, phóng viên là những người phải đương đầu với dịch bệnh trực tiếp bởi họ phải tới hiện trường để có những tin bài, phóng sự chân thực về cuộc sống của những người đang vật lộn với dịch Covid-19.
Trong thời gian vừa qua, báo chí thế giới chứng kiến nhiều trường hợp nhà báo bị cách ly do tác nghiệp tại những vùng lây nhiễm, tiếp xúc với những đối tượng có khả năng lây nhiễm. Trường hợp 4 nhà báo ở bang Karnataka, Ấn Độ đã phải thực hiện biện pháp cách ly sau khi tiếp xúc với một gia đình quan chức cấp cao - trong đó một thành viên của gia đình này là ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 bị tử vong đầu tiên ở Ấn Độ. Buổi phỏng vấn với con trai nạn nhân kết thúc thì cũng là lúc họ phải chịu biện pháp cách ly của chính quyền địa phương.
Không ai biết được đại dịch Covid-19 sẽ lan rộng như thế nào và hậu quả sau cùng sẽ ra sao. Còn rất nhiều điều chưa thể chắc chắn, các nhà báo trên thế giới hằng ngày vẫn đang phải đối mặt với vô số thách thức khi đưa tin về dịch bệnh như việc chống thông tin sai lệch hay khả năng bị lây nhiễm khi tác nghiệp, trong khi vẫn phải cố gắng không gây hoang mang cho cộng đồng.
Tuy nhiên, đây là cũng là dịp để một lần nữa các nhà báo, phóng viên thể hiện bản lĩnh, chuyên môn của người truyền tin, định hướng đúng dư luận, chia sẻ kiến thức chống dịch hiệu quả cho cộng đồng cũng như lan toả thông điệp đoàn kết yêu thương giữa mọi người với nhau.