CIC tập huấn triển khai Thông tư 15/2023 của Ngân hàng Nhà nước
Kết nối với CIC khách hàng vay có các quyền và nghĩa vụ gì? Giải đáp những vấn đề thắc mắc của khách hàng về chính sách giá của CIC |
Hội nghị có sự tham dự của ông Phạm Tiến Dũng- Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng gần 400 đại biểu là đại diện một số Cục, Vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có trụ sở chính tại Hà Nội và khoảng hơn 100 đại biểu là đại diện ban lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố tham gia theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Thông tư 15/2023 và Quyết định 573 được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế của Thông tư 03/2013, hoàn thiện quy định về nguồn thu thập dữ liệu và hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng; quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng vay và quy định về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động thông tin tín dụng, từ đó, phục vụ tốt hơn cho Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng; tăng cường tính minh bạch của thông tin và khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng ghi nhận sự cố gắng của các Cục, Vụ và CIC đã kịp thời tham mưu để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 15/2023 và bộ chỉ tiêu của thông tư.
Theo Phó Thống đốc, thông tin tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các ngân hàng và các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, hiện nay, không chỉ hoạt động cho vay mà kể cả hoạt động mở tài khoản, thanh toán và một số hoạt động khác cũng sử dụng thông tin tín dụng. Với các nước phát triển, hoạt động thông tin tín dụng là cốt lõi trong hoạt động ngân hàng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị liên quan cần triển khai Thông tư 15/2023 có chất lượng, thực hiện đúng thời gian quy định, nếu không có thể bị xử phạt hành chính, không cho khai thác thông tin.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng đề nghị, sau 1-2 tháng Thông tư 15/2023 được triển khai, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và CIC nên tiến hành khảo sát để nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức tín dụng, tháo gỡ vướng mắc nếu có.
Ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). |
Tại hội nghị, ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã giới thiệu về Thông tư 15/2023 với 3 nội dung chính, trong đó tập trung vào những điểm mới của Thông tư 15 so với Thông tư 03.
Có 5 điểm mới chính của Thông tư 15/2023 so với Thông tư 03 bao gồm: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng; bổ sung các quy định về đối tượng áp dụng và thu thập thông tin; tăng cường các quy định về bảo mật, an toàn, an ninh trong lĩnh vực thông tin tín dụng; hoàn thiện các quy định về cung cấp thông tin cho khách hàng vay; chỉnh sửa các quy định về điều chỉnh dữ liệu sai sót.
Theo ông Kiên, Thông tư 15/2023 đã bao gồm các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về vai trò trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (đầu mối là CIC) và trách nhiệm, nghĩa vụ của từng đối tượng tham gia, tạo điều kiện để hoạt động thông tin tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột hỗ trợ ngành ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Phiên thảo luận tại hội nghị. |
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC đã giới thiệu về hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành tại Quyết định 573 và hướng dẫn tổ chức tín dụng báo cáo dữ liệu theo hệ thống chỉ tiêu mới.
Theo quyết định này, các điểm thay đổi chính bao gồm: Tổng số lượng chỉ tiêu thông tin tín dụng là 270 chỉ tiêu (tăng 137 chỉ tiêu so với quy định tại Thông tư 03), trong đó chủ yếu bổ sung các chỉ tiêu định danh về khách hàng, thông tin về nhóm người có liên quan của khách hàng vay; thông tin biện pháp đảm bảo cấp tín dụng; hoạt động xử lý nợ xấu nội bảng, ngoại bảng; thông tin về mua nợ xấu VAMC; hệ thống bảng mã chỉ tiêu gồm 15 bảng mã (tăng 5 bảng mã so với Thông tư 03); chỉnh sửa/bổ sung 8 bảng mã, bổ sung mới 7 bảng mã và bỏ 2 bảng mã.
Đại diện CIC cũng đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng báo cáo thông tin tín dụng theo quy định mới, bao gồm định dạng file, các tệp dữ liệu định kỳ và tệp dữ liệu điều chỉnh; trường thông tin, vị trí trường thông tin trong từng mẫu tệp báo cáo; hướng dẫn về phương thức báo cáo điện tử, văn bản (trong một số trường hợp đặc thù).
Ông Cao Văn Bình – Tổng Giám đốc CIC phát biểu tại hội nghị. |
Bên cạnh đó, lộ trình triển khai thực hiện Thông tư 15/2023 và Quyết định 573 cũng được chia sẻ để các tổ chức tín dụng biết và có hướng triển khai phù hợp, đảm bảo thực hiện theo đúng thời gian thông tư có hiệu lực.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả và đại biểu tham dự đã có một phiên thảo luận sôi nổi, cởi mở, trong đó, các câu hỏi của các tổ chức tín dụng liên quan đến việc triển khai Thông tư 15/2023 đã được giải đáp cụ thể, chi tiết.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Cao Văn Bình – Tổng Giám đốc CIC cho biết, để triển khai Thông tư 15/2023 có hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ của các bên.
Về phía CIC, bên cạnh việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực cũng như các công tác liên quan khác, trung tâm đã thiết lập các kênh hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp và cam kết sẽ luôn đồng hành với các tổ chức tín dụng để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý các vướng mắc trong quá trình thử nghiệm và triển khai Thông tư 15/2023.
Được biết, sau hội nghị này, CIC dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 15/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/5/2024 tới đây.