Có bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vững vàng lúc khó khăn
Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động TTTĐ - Bản tin thị trường lao động vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, tình trạng thất ... |
Giảm âu lo khi thất nghiệp
Đến nay, anh Bùi Văn Khương (SN 1990) xã Lạc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình đã nhận được tiền chi trả trợ cấp BHTN trong 4 tháng liên tục, với mức trợ cấp hơn 2,13 triệu đồng/tháng (bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc).
Trong thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đẩy mạnh hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (ảnh: Hoa Quỳnh) |
Anh Khương cho biết: “Quá trình làm nhân viên bán hàng cho Công ty TNHH MTV Nguyễn Minh, tôi đã tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp trong 84 tháng. Trên cơ sở đó, tôi được giải quyết hưởng 7 tháng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp hàng tháng đã chia sẻ rủi ro, giúp tôi đảm bảo duy trì cuộc sống, vơi bớt sự hẫng hụt trong thời gian tìm kiếm việc làm phù hợp”.
Thể theo nguyện vọng từ người lao động, chị Hoàng Thị Luyến (SN 1983) ở xóm Thành Sơn, xã Cao Sơn (Lương Sơn) vừa nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp do Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh ban hành.
Trước khi nghỉ việc, chị Luyến là công nhân vận hành máy may công nghiệp tại Công ty TNHH may mặc Esquel - khu công nghiệp Lương Sơn, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 94 tháng. Mức trợ cấp chị được hưởng kể từ ngày 30/1 - 29/8/2023 là 2,613 triệu đồng/tháng, việc chi trả kịp thời, thuận tiện qua tài khoản ATM. Hàng tháng, chị thực hiện thông báo về tìm kiếm việc làm theo quy định.
“Xin nghỉ việc về tôi được bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tôi trang trải cuộc sống, vơi bớt khó khăn” - chị Luyến chia sẻ.
Phao cứu sinh cho người thất nghiệp
Trong tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng toàn cầu và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai..., người lao động rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm. Rơi vào tình cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp vừa là "con cá" và "cần câu" để người lao động đảm bảo an sinh, nhất là ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống cũng như thị trường lao động khi được bù đắp một phần thu nhập trong thời gian thất nghiệp.
Tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn là chiếc phao cứu sinh hỗ trợ người thất nghiệp tạm thời được học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; được tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, có thu nhập ổn định.
Bảo hiểm thất nghiệp là phao cứu sinh giúp người lao động khi bị mất việc làm |
Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp đối với cả 3 bên là người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước đều rất quan trọng. Vì vậy, ngoài ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, ngành Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đang kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội để tạo thuận tiện trong việc thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo dõi đối tượng hưởng, ngăn chặn kịp thời về việc lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm, tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động tham gia thị trường lao động, góp phần đảm bảo hiệu suất lao động.
Tại Diễn đàn người lao động 2023 tại Hội trường Diên Hồng ngày 28/7 mới đây, có ý kiến cho rằng nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn trong khi mức trợ cấp cho người lao động thấp. Một số công nhân kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng tăng tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mức đóng vào quỹ dưới 1%.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khá lớn là do tồn tích từ những năm trước, mức chi thấp và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%. Đến năm 2021 trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid 19, Quỹ đã trích hơn 41.000 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm lao động khó khăn và miễn đóng cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Không chỉ có một khoản trợ cấp trong giai đoạn khó khăn, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sớm có việc làm và ổn định cuộc sống.
Với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động yên tâm phần nào về cuộc sống để có thể tìm kiếm một công việc mới ổn định và tiến đến việc cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là điểm tựa cho người lao động đòi hỏi chính sách này ngày càng phải hoàn thiện và đổi mới để phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, kịp thời hỗ trợ người lao động đang mất việc làm