Cơ chế lương đặc thù giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác
Tăng cường vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức Hà Nội Tăng cường kỷ cương, khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ Sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với đặc thù của địa phương |
Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản
Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu: “Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, Điều 18 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Lương cao giúp công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, Điều 18 nêu rõ, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do Thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước.
Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định chế độ công vụ, công chức của cơ quan, đơn vị ở thành phố Hà Nội. Cụ thể, chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở thành phố Hà Nội được thực hiện như sau: Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; công chức được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo tiêu chuẩn chung từ cấp xã đến cấp thành phố; cán bộ làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm của chức danh công chức thì được tiếp nhận vào công chức.
Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm.
Phù hợp, chặt chẽ, bám sát lộ trình chế độ tiền lương mới
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Qua đó, bảo đảm đời sống, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Quy định này đã có sự tham khảo các quy định tương tự tại Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần |
Góp ý về quy định này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Thủ đô là đô thị đặc biệt nên cần cho thêm tiêu chuẩn người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương; đồng thời, phải trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.
“Khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt. Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp. Do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, làm sao tiết kiệm nhưng lại tạo ra được hiệu lực tốt hơn. Vì vậy về mặt chính sách tiền lương, đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.
Khi biết thông tin dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về cơ chế trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội cao hơn mức trung bình của cả nước, có nhiều ý kiến đồng tình. Ngân sách của Thủ đô không thiếu, vì mỗi năm thu ngân sách trên 350.000 tỷ đồng, cái thiếu hiện là cơ chế, chính sách để Hà Nội thực hiện.
Trước đó, thảo luận tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thống nhất, đồng tình với quy định tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức của Thủ đô. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội băn khoăn, trong điều chỉnh này không nói về lực lượng vũ trang. Trong khi đó, lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô là Bộ Tư lệnh Thủ đô và Công an thành phố Hà Nội là lực lượng lớn…
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18 dự thảo Luật) còn chung chung. Cụ thể như quy định “một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”. Nếu quy định như vậy, sẽ có số lượng công chức, viên chức rất lớn, chưa kể một số ngành nghề đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, độc hại nghề nghiệp như công an, quân đội... nếu có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần nêu cụ thể ngành nào để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn.
Đồng thời, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng cần chỉnh sửa quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 theo hướng: “Nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô”.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) góp ý, dự thảo Luật cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.