Cô gái khuyết tật "bắt" đất nghèo “nở hoa”
“Tỏa sáng nghị lực Việt” 2022: Tôn vinh 50 tấm gương thanh niên khuyết tật TTTĐ - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức chương trình “Tỏa sáng ... |
Không khuất phục hoàn cảnh
Chị Trần Thị Thuần sinh năm 1983, thường trú tại thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Chị là thành viên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, là Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc. Chị bị khuyết tật vận động, teo chân trái từ năm mới một tuổi. Sau một lần sốt cao, chân trái của chị Thuần dần teo quắt lại, không thể đứng lên được nữa. Từ đó đến khi 9 tuổi, chị chỉ di chuyển bằng hai tay và hai đầu gối. Sau chín năm chỉ biết bò, thời khắc rời mặt đất, bám lấy đồ vật đứng lên được khiến chị mừng đến trào nước mắt. Năm 10 tuổi, Trần Thị Thuần cắp sách tới trường. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng chị vẫn phải dừng việc học lại sau khi học xong cấp hai…
Lấy chồng rồi, chị có hai con trai. Niềm hạnh phúc tưởng như bền lâu nhưng bất hạnh thay, chị Thuần lại gặp phải một vụ tai nạn và gãy một bên chân, phải mổ nẹp vít đinh cố định. Người chồng sau vài ngày chăm sóc chị trong bệnh viện đã im lặng bỏ đi. Thế rồi, một mình chị Thuần chiến đấu với bệnh tật đau ốm và nuôi hai con.
Sóng gió liên tiếp ập đến, hoàn cảnh trớ trêu nhưng không khiến người phụ nữ này gục ngã. Chị Thuần chia sẻ: “Với mức trợ cấp hơn 500 nghìn đồng một tháng chỉ đủ để mẹ con tôi qua ngày. Sau hơn hai tháng bị tai nạn, sức khỏe yếu hơn, lại là người khuyết tật nên tôi rất khó khăn để kiếm tìm một công việc ổn định. Nhiều đêm, trong những giây phút yếu lòng, khi nghĩ đến khó khăn đang bủa vây, mình không kìm được nước mắt nhưng nhìn thấy các con, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, một lần nữa đứng lên đương đầu với thách thức khắc nghiệt của cuộc sống”.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Ngọc từ những mảnh đất bỏ hoang |
Vì không thể tìm kiếm được một công việc ổn định nên chị Thuần từng phải đi bán hàng rong. Nhìn những bước chân không chắc chắn của chị lê khắp phố phường Hà Nội, những giọt mồ hôi nhễ nhại ngay giữa trời đông lạnh giá khiến cho ai cũng phải cảm động. Hạnh phúc mỉm cười với người phụ nữ khuyết tật nhiều bất hạnh khi chị gặp được một “ân nhân”. Nhờ có họ mà chị Thuần đã có một công việc ổn định với mức lương từ 5 -7 triệu mỗi tháng. Từ đó, cuộc sống của 3 mẹ con chị bớt khó khăn hơn.
Biến đất hoang thành những vườn cây thảo dược
Năm 2013, chị tham gia vào Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn và làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Đồng Xuân. Chị đã cùng các hội viên mở cửa hàng photocopy, trồng thảo dược bán thô như: Hoa nhài, trà xanh khô; làm thêu. Mỗi buổi tối, chị Thuần tranh thủ thời gian để thực hiện ý tưởng, cùng một số bạn trong hội người khuyết tật của xã, biến những thửa đất bỏ hoang thành những vườn cây thảo dược. Năm 2019, chị đã thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc.
Chị Trần Thị Thuần từng được tuyên dương và nhận kỷ niệm chương “Thanh niên tiêu biểu” của huyện Sóc Sơn; Bằng khen của Ủy ban Hội LHTN thành phố Hà Nội vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2020. Chị cũng đã được nhận bằng khen của Hội LHTN Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và tạo việc làm cho thanh niên và người khuyết tật năm 2013, 2020. |
Là Giám đốc hợp tác xã, chị chia làm hai nhóm lao động, một là các bạn bị khuyết tật trí não, hai là các bạn bị khuyết tật vận động để phân công việc làm cho phù hợp và phát huy được thế mạnh của từng nhóm. Nhờ sự quản lý của chị, Hợp tác xã Tâm Ngọc đã tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, với những đồng lương thực sự xứng đáng từ chính công sức mà mình bỏ ra, bớt gánh nặng cho gia đình, cộng đồng.
Chị Thuần chia sẻ: “Nhiều người gọi tôi là "CEO tài năng", bởi việc quản lý, phân công công việc cho những người khuyết tật chẳng giống ai, chẳng ngày nào giống ngày nào. Nhân viên sức khoẻ yếu, cả tháng có khi chỉ đi làm được 10 ngày là nghỉ. Để giữ được nhịp lao động, tôi phải luân phiên, sắp xếp lao động tùy vào tình hình thực tế từng ngày.
Chị Trần Thị Thuần (mặc áo dài, ở giữa) được vinh danh |
Các bạn trí não không nhanh nhẹn thì chỉ làm được những việc đơn giản, rập khuôn. Ví dụ bảo các bạn nhặt cỏ, các bạn ấy sẽ làm nhưng phải luôn trông chừng nếu không khi nhặt cỏ xong các bạn sẽ nhổ hết cả cây. Có những bạn khi được giao đóng gói loại trà này gửi cho khách thì lại đóng gói loại trà khác. Không ít lần tôi phải gọi điện xin lỗi khách".
Nói về người quản lý của mình, anh Nguyễn Bảo Ngọc, thành viên trong Hợp tác xã Tâm Ngọc bày tỏ: “Sau lần gặp tai nạn, tôi đã bị mất một bên chân. Nhờ có chị Thuần giúp đỡ và động viên, tôi bớt mặc cảm và hoà nhập lại với cộng đồng. Đối với anh chị em trong Hội Người khuyết tật xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, chị Thuần như một người thân trong gia đình luôn chu đáo, tận tình giúp đỡ, cùng nhau vượt khó vươn lên”.
Trong một “Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ khuyết tật”, chị Trần Thị Thuần đã thuyết trình ý tưởng “Chuyên trồng và chế biến cây dược liệu” của mình và được mọi người đánh giá rất cao. Năm 2020, sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Ngọc đã lọt top 10 sản phẩm vinh danh của năm do Hội LHTN thành phố Hà Nội tổ chức. Hiện tại, hợp tác xã Tâm Ngọc đã phủ kín 4 ha đất, có hai cơ sở sản xuất kinh doanh, 26 thành viên trong đó có cả các bạn là cử nhân của các trường đại học uy tín về làm việc. Họ đều được chị Thuần tạo việc làm và trả lương theo đúng năng lực.
Bây giờ cái tên Trần Thị Thuần gắn với Hợp tác xã Tâm Ngọc đã không còn xa lạ. Không chỉ bởi những sản phẩm trà thảo dược có tiếng, cây quả và hoa trồng theo phương pháp hữu cơ, mà còn là sản phẩm được làm ra từ những thanh niên khuyết tật. “Ngày nào tôi cũng chống gậy ra đồng, luôn chân luôn tay làm việc. Chiếc gậy vẫn đều đặn in dấu chân tròn trên đồng đất, để đất nở hoa...”, chị Thuần bộc bạch.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; Góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên. Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng... Các hoạt động của chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9/2022 tại Thủ đô Hà Nội. |