Cô gái xương thủy tinh và hành trình trao hy vọng cho nguời khuyết tật
Không đầu hàng trước số phận
Sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1978) là chuỗi ngày buồn và mặc cảm vì bệnh tật không thể chạy nhảy nô đùa vô tư như bè bạn. Năm 6 tuổi chị vẫn không thể đi học vì chuỗi ngày đi viện và trường khó tiếp nhận trẻ khuyết tật. Bởi vậy mãi đến năm lên 9 tuổi Lan Anh mới chính thức được bước vào lớp 1.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh - người phụ nữ gieo hy vọng cho người khuyết tật |
Những thành tích học tập của chị khi còn là cô bé ngồi trên ghế nhà trường xuất phát từ chính nền tảng giáo dục này của gia đình. Đầu những năm 2000, chị trở thành một trong số ít những người khuyết tật trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 2004, chị ra trường với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ loại giỏi. Đến năm 2010, chị lại tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhắc đến những nỗ lực mà với người bình thường, đạt được cũng không hề dễ dàng, chia sẻ của chị Lan Anh khiến chúng ta thấy rằng, với người khuyết tật, muốn thành công họ sẽ phải cố gắng gấp 10, 20 lần so với những người bình thường. Bởi những người khuyết tật, họ hiểu mình có rất ít cơ hội.
“Khi rơi vào những thời khắc khó khăn, nhiều người bình thường khác có thể bỏ cuộc, nhưng với những người khuyết tật, họ lại càng mạnh mẽ hơn. Đó là cách để chúng tôi nắm bắt được cơ hội ít ởi mà cuộc sống ban cho mình”, chị chia sẻ.
Hành trình vượt lên số phận của chị là một câu chuyện đầy cảm động |
Thực tế, có những lúc thời tiết trái gió trở giời, chị phải đối diện với những cơn đau đớn khủng khiếp, thậm chí không thể nhích người ra khỏi giường. Bằng ý chí, nghị lực thúc bản thân, Lan Anh phải đứng dậy, tiếp tục đi làm.
Và vì hiểu được những khó khăn mà chính bản thân mình phải vượt qua, ACDC là kết quả từ khát vọng cống hiến của chị Lan Anh với cộng đồng người khuyết tật.
10 năm một hành trình xây dựng “ngôi nhà ACDC”
Để duy trì một tổ chức không hề dễ như chị Lan Anh và các thành viên sáng lập ban đầu suy nghĩ. Chị đã cùng tập thể ACDC mất nhiều năm trời gây đựng niềm tin với các đối tác và các nhà tài trợ. “Họ không tin những người như chúng tôi có thể làm được….”, chị Lan Anh nhớ lại.
ACDC đã làm thay đổi nhận thức và tư duy của nhiều người trong xã hội về người khuyết tật bằng các mô hình tiếp cận hoàn toàn mới. Ở đó, mô hình tiếp cận dựa vào quyền và khả năng của người khuyết tật thay vì nền tảng là lòng thương và từ thiện của mọi người.
Trung tâm ACDC do chị thành lập mang lại những điều kỳ diệu cho người khuyết tật (Ảnh chụp trước mùa dịch) |
Theo đó, mọi người hầu hết đều chung một suy nghĩ hỗ trợ người khuyết tật những vật chất cơ bản họ thiếu trong cuộc sống như cái xe, cái nạng… nhưng theo chị Lan Anh, với người khuyết tật, họ thực sự cần là được xã hội tôn trọng, được hòa nhập và được trao quyền…
ACDC đã giúp những người khuyết tật hiểu và đến gần hơn với quyền lợi của mình. Đó là các dự án tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật, các dự án vận động thay đổi chính sách cho người khuyết tật hay như các chương trình đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho người khuyết tật... Các chương trình này đã giúp người khuyết tật được giao lưu, kết bạn, chia sẻ. Từ đó, họ vừa có thêm kỹ năng để làm việc hiệu quả đồng thời tăng thêm sự tự tin để hòa nhập vào cộng đồng.
Hành trình trao yêu thương và cuộc sống tốt hơn cho người khuyết tật của chị Lan Anh và ACDC sẽ không bao giờ dừng lại (Ảnh chụp trước mùa dịch) |
Khó khăn rồi cũng qua. Sau đó những chuyến đi nước ngoài học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Rồi sau đó là những dự án đơm hoa kết trái. Trong đó, dự án làm nên tên tuổi của Trung tâm ACDC chính là “Xương rồng vẫn nở hoa”. Đây là dự án dành cho những người phụ nữ khuyết tật đơn thân vươn lên trong cuộc sống. Không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, những cái ôm ấm áp và những lời biết ơn chân thành đã được gửi đến chị từ những người thụ hưởng dự án này.
Đó chính là động lực để chị Lan Anh không ngừng nghỉ, nghĩ ra mọi hoạt động, chương trình để kết nối những người khuyết tật với nhau, kết nối người khuyết tật với cộng đồng và cố gắng phá bỏ những rào cản khiến người khuyết tập khó hòa nhập xã hội.
Với ý chí và nghị lực của mình, chị đã làm được những điều kỳ diệu không chỉ với cuộc sống của mình mà còn tạo nên điều kỳ diệu cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Chị tận dụng mọi cơ hội có thể để giúp đỡ và trao cho họ một chìa khóa tự tin hòa nhập xã hội…