Có một người phụ nữ gom tất thảy yêu thương, góp xây cuộc đời cho trẻ em "đặc biệt"
Ngày hội nghệ thuật của trẻ khuyết tật Hà Nội đặt mục tiêu 80% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục Người phụ nữ hơn một thập kỷ dành trọn yêu thương cho trẻ em khuyết tật |
Từ nỗi ám ảnh với những “vầng trăng khuyết”
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bà Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội.
Trong thời gian làm quản lý giáo dục, bà Nga được giao phụ trách khối cấp 1, 2 và thường có những cuộc kiểm tra, dự giờ, thao giảng những tiết học của các trường trên địa bàn. Lúc đó, khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội và cả nước vừa thoát khỏi bao cấp, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Nhưng điều khiến người “bác sĩ chuyển ngành” ấy băn khoăn, là ở lớp nào, giờ học nào bà tham dự, đều có những em bé được “chăm sóc” rất kỹ, ngồi ở cuối lớp.
Ở cái tuổi 80, hạnh phúc của bà Đỗ Thúy Nga đơn giản là được gắn bó với từng tiếng cười, tiếng khóc, tiếng gọi "mẹ ơi" của những đứa trẻ còn khiếm khuyết |
Các em được một cô giáo hoặc một ai đó ngồi cạnh, ôm chặt để giữ trật tự. Có em còn bị buộc một sợi dây vải vào cổ chân, nối cạnh bàn để không chạy nhảy. Ở lớp khác, bà lại thấy có những em dù đã học lớp 4, lớp 5 nhưng hỏi vài câu kiểm tra kiến thức thì lại không biết gì.
Quan sát nhiều hơn, để ý hơn, bà Nga coi những em bé đặc biệt đó không bình thường về tâm sinh lý, hành vi. Vì vậy, bà đề đạt thiết lập một chương trình, tổ chức lớp học riêng cho các em bé ngồi “nhầm chỗ” này.
Trước khi về hưu (năm 1998), bà có đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho phép mở một lớp học, gom hết các em “đặc biệt” vào, cử những cô giáo tâm huyết nhất, một cô kèm 5-6 em… Lớp học kéo dài được khoảng 1 học kỳ rồi tan rã.
Lúc mới về hưu, bà Nga đã định thực hiện kế hoạch đi nước ngoài làm chuyên gia, rồi lại có lời mời về làm bác sĩ tại Bệnh viện Việt Pháp lúc đó mới thành lập (tháng 9/1997) với mức lương 3 triệu đồng/tháng, gấp 5 lần lương hưu của bà khi ấy. Thế nhưng, hình ảnh những em bé ngây ngô, ngơ ngác, không phản ứng với giao tiếp… cứ ám ảnh bà, quẩn quanh mãi không dứt ra được. Trong đầu bà khi đó hàng tá câu hỏi: "Các em vừa được gom vào lớp học kia, giờ lại rã đám thì đi về đâu? Học tiếp kiểu gì? Các em cũng cần tương lai chứ?"... Thế rồi, bà quyết định bỏ hết ý định “làm kinh tế” mà rẽ sang một hướng khác.
Bên cạnh những nỗ lực của cô trò trong trung tâm thì sự ủng hộ vật chất, tinh thần của các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước là nguồn động viên khích lệ giúp các em vượt qua bệnh tật sớm hòa nhập cộng đồng |
Năm 1998, khi về hưu, bà Đỗ Thúy Nga đã quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Trên mảnh đất (khoảng 60m2) mượn của cô con gái đã lập gia đình, tại số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình), bà Nga đã xây dựng một căn nhà 4 tầng để làm trung tâm chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật.
… đến người gieo hy vọng
Hiện tại, trung tâm có 15 giáo viên đang chăm sóc hơn 50 trẻ mang trong mình nhiều loại bệnh: Down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ...
Việc giáo dục trẻ bình thường đã cần sự kiên trì của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo rồi nhưng với trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ chậm phát triển trí tuệ nói chung, việc đồng hành cùng các em đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội.
Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, có trẻ phải học cả tuần. Một bài thơ, các em phải học nhiều tuần mới thuộc. Đang ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách... Vì thế, phương châm của các cô giáo ở đây là "kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ".
Bà Đỗ Thúy Nga được tuyên dương là "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu" năm 2022 |
Bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng cho biết: "Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng 1 trẻ khuyết tật. Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá... Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ. Có gia đình dành cho trẻ một phòng trống nhưng nhiều gia đình không có điều kiện. Nhiều bà, nhiều cô giữ trẻ cũng nói: "Tôi cố gắng hết sức nhưng cháu cắn bầm giập hết cả tay, chân tôi rồi". Vì thế, kiên trì là yêu cầu đầu tiên với các giáo viên ở trung tâm này. Họ không chỉ cần bằng cấp về sư phạm mà phải có tấm lòng yêu trẻ, yêu như chính con mình đẻ ra".
Trung tâm Hy Vọng không chỉ rèn kỹ năng mà còn phải dạy cho các con học văn hóa. Chương trình dạy cho các em ở đây cũng rất đặc biệt. Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng. Vào đầu năm học, các cô nhận trẻ, xây dựng chương trình riêng và trao đổi với bố mẹ các em. Sau đó, Giám đốc Trung tâm duyệt lại và thống nhất với các cô để triển khai. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo không ngừng, thậm chí là sáng tạo trong từng giờ học.
Mỗi trẻ ở trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe và kế hoạch giáo dục riêng. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ đều được giáo viên và bác sĩ của trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Với bác sĩ Đỗ Thúy Nga, là một người mẹ và cũng vì hạnh phúc của nhiều bà mẹ khác mà bà đã gắn bó với công việc vất vả và nhiều thách thức này. Bà bảo rằng, đã trải qua công việc ở lâm sàng nhi, từng điều trị những trẻ bị viêm màng não nên bà thấu hiểu nỗi vất vả, nỗi đau của nhiều gia đình khi có con thiểu năng trí tuệ. Khi nghỉ hưu, bà xác định đây là món nợ phải trả cho cuộc đời, chia sẻ gánh nặng với các gia đình, giảm bớt những khuyết tật của trẻ.
Nhiều năm qua, Trung tâm Hy Vọng ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình) trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bậc phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình bị khuyết tật đến để chăm sóc, phục hồi chức năng. Với những cống hiến lớn lao đó, mới đây, bà được tuyên dương là 1 trong 10 "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu". Trong suốt quá trình hoạt động, bà nhận được rất nhiều giấy khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam, của Ban Chấp hành trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Gần đây nhất, bà đã được Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen. Ngoài ra, năm 2010, bà được tặng Kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật”, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Số 79/2010/KT-TƯ ngày 1/12/2010 của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. |