Co-opbank không ngừng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh
Giữ vững đà tăng trưởng
Chiều 10/1, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 và ra mắt ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động (Co-opBank Mobile Banking) và thẻ Chip Co-opBank Napas.
Báo cáo tình hình hoạt động Co-opbank trong năm vừa qua, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Phụ trách điều hành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, cho biết: Năm 2021 được xem là năm có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới, đất nước ta từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa nỗ lực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách điều hành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động trong năm 2021 |
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã vào cuộc từ rất sớm, chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo kiểm soát lạm phát; Ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.
Cùng với đó, NHNN cũng điều hành tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng trưởng tín dụng đạt gần 13%; Tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank phát biểu tại hội nghị |
Theo sát chỉ đạo của NHNN, Co-opbank cùng hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân đã đẩy mạnh cho vay, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và thúc đẩy chính sách phát triển tam nông, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã đã triển khai các biện pháp để hỗ trợ kịp thời hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, thực hiện tốt vai trò là ngân hàng đầu mối của các quỹ.
Nhờ vậy, hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân ngày càng vững mạnh về năng lực tài chính, chất lượng cán bộ và trình độ quản lý. Vốn điều lệ đạt 6.344 tỷ đồng (tăng 10% so 2020); Tổng tài sản đạt 160.553 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Huy động vốn đạt 141.810 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Cho vay thành viên đạt 112.205 tỷ đồng (tăng 6% so 2020); Chênh lệch thu - chi đạt 1.525 tỷ đồng (tăng 51% so 2020); Nợ xấu 1.042 tỷ đồng chiếm 0,93% tổng dư nợ; Tổng số Quỹ tín dụng Nhân dân là 1.187 quỹ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trao cờ thi đua của Chính phủ tới các tập thể đẫn đầu trong phong trào thi đua |
Đồng hành với sự phát triển của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn chỉ 3.030 tỷ đồng, năng lực tài chính hạn hẹp. Tuy nhiên trong năm qua, Ngân hàng Hợp tác xã một mặt hỗ trợ tích cực về vốn, nhân sự, công nghệ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, một mặt áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh doanh số kinh doanh vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tiền gửi điều hoà của quỹ gửi về Ngân hàng Hợp tác xã, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước giao.
Hiện tổng tài sản đạt 49.138 tỷ đồng (tăng 12,56% so với năm 2020); Tổng nguồn vốn huy động đạt 40.825 tỷ đồng (tăng 14,96% so với năm 2020), trong đó, huy động từ Quỹ Tín dụng Nhân dân là 35.779 tỷ đồng, huy động tiền gửi cá nhân 5.046 tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay 26.197 tỷ đồng (tăng 15,94% so với năm 2020), trong đó cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân đạt 3.481 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp và cá nhân 22.716 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 213,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 177,35 tỷ đồng (đạt 107% so với kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao).
Không ngừng nỗ lực để phục vụ khách hàng
Năm 2021 vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch, song Ngân hàng Hợp tác xã đã ba lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân. Hiện nay, mức lãi suất cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân thấp nhất là 5,8%/năm. Doanh số cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân trong năm đạt 18.587 tỷ đồng, doanh số gửi tiền gửi điều hòa về Ngân hàng Hợp tác xã đạt 73.523 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trao cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước tới các tập thể đẫn đầu trong phong trào thi đua |
Ngoài ra, trong quý IV/2021, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên Quỹ Tín dùng Nhân dân” với lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,5%/năm, giúp cho thành viên của quỹ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Doanh số cho vay theo chương trình này đạt 717 tỷ với 304 Quỹ Tín dụng Nhân dân tham gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ cho vay trong những tháng cuối năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2021 đạt 3.481 tỷ đồng
Để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các Quỹ Tín dụng Nhân dân phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện các giải pháp tái cơ cấu.
Ngân hàng Hợp tác xã đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động, đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của quỹ và Ngân hàng Hợp tác xã.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trao tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc |
Cùng với đó, Ngân hàng Hợp tác xã cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân gặp khó khăn, có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động, không thu hồi được nợ; Ban hành cơ chế xử lý với các khoản cho vay các quỹ tín dụng yếu kém còn tồn đọng trước đây; Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã nhằm tăng cường năng lực tài chính để thực hiện tốt hơn vai trò ngân hàng đầu mối của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả Ngân hàng Hợp tác xã đã đạt được trong năm 2021.
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực nhưng trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xu hướng phát triển mới, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm xử lý trong thời gian tới như năng lực tài chính, mạng lưới hoạt động và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được vai trò liên kết hệ thống và hỗ trợ các quỹ thành viên khi gặp khó khăn, nhất là các trường hợp lâm vào kiểm soát đặc biệt.
Nhiều Quỹ Tín dụng Nhân dân hoạt động xa rời tôn chỉ, mục tiêu và mô hình hợp tác xã, ý thức chấp hành quy định của pháp luật chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống; Hành lang pháp lý quản lý hoạt động, kiểm tra, giám sát Quỹ Tín dụng Nhân dân và cơ chế hỗ trợ để Ngân hàng Hợp tác xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quỹ gặp khó khăn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện...
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, Hội đồng quản trị, ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Hợp tác xã cần nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 và Chỉ thị 01, Chỉ thị 02 sẽ được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01.
“Tôi cơ bản nhất trí với định hướng kinh doanh năm 2022 các đồng chí nêu trong báo cáo; Tuy nhiên, cần bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, khẩn trương xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 gửi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra; Quán triệt trong toàn hệ thống thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, cần bổ sung tăng vốn điều lệ, đặc biệt từ nguồn vốn nội lực nhằm nâng cao năng lực tài chính, đủ năng lực làm nền tảng cho việc phát triển quy mô, trình độ công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để thực sự làm tốt vai trò ngân hàng của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân; Hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, bảo đảm an toàn hệ thống, là công cụ hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát hoạt động và phát triển hệ thống quỹ”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động (Co-opBank Mobile Banking) và thẻ Chip Co-opBank Napas.