Coi vấn đề bảo vệ môi trường là điểm nhấn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Vấn đề nan giải
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội. Theo kết quả thống kê, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn TP.
Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10-15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội đã đề ra những phương án để xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TP. Vấn đề tồn đọng về rác thải đã và đang gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan cho quá trình đô thị hoá.
Tình trạng ùn ứ rác thải gây mất mĩ quan đô thị và ô nhiễm môi trường |
Ngoài ra, Hà Nội vẫn luôn trong top những TP có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 đến PM1).
Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... Trong đó, TP đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; Xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...
Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...
Đến nay, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt gần 100%; Cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; Hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; Giảm từ 70-90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch. 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...
Các cơ chế đặc thù còn mờ nhạt
Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định về bảo vệ môi trường, thể hiện rõ hơn nguyên tắc phát triển bền vững và thực hiện đúng theo định hướng phát triển Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), môi trường Thủ đô phải được coi là một điểm nhấn trong Luật Thủ đô sửa đổi lần này để giải quyết các vấn đề cụ thể về: Nước, không khí, chất thải rắn…
Tuy nhiên, trong 9 chính sách được nhấn mạnh trong Dự luật, không có chính sách riêng nào cho vấn đề môi trường Thủ đô, mà nằm rải rác, mờ nhạt hoặc chung chung ở các chính sách khác, thậm chí thiếu vắng trong nhiều đề xuất cơ chế đặc thù; Không thấy bóng dáng cơ chế đặc thù vượt trội ở đâu so với các luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường 2020 để giải quyết các vấn đề thực sự nan giải của thành phố về nước thải sinh hoạt, chất lượng nước các dòng sông, chất lượng không khí và các nguồn thải, vấn đề rác thải sinh hoạt…
Hà Nội luôn trong top những TP có độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Ảnh minh hoạ |
Ông đề nghị nên đánh giá cụ thể vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan đến môi trường nước, không khí, chất thải rắn trên cơ sở nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022 và một số văn bản liên quan khác; Đồng thời đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể đặc thù, nổi trội khác biệt để giải quyết các vấn đề ở mức Luật và các văn bản dưới Luật.
Theo quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quản lí và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; Bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Góp ý thêm vào điều khoản này, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu: Khoản 3 Điều luật này nên đề cập vấn đề xã hội hóa, vì đây là một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là việc cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước. Điều đó có nghĩa người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường sẽ tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn...
Theo vị chuyên gia này, việc thu gom, vận chuyển và xử lí rác thải sinh hoạt, xã hội hóa bảo vệ môi trường sẽ góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước.
Với lí do đó, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy đề xuất sửa quy định tại khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật như sau: “Bố trí nguồn lực, xã hội hóa và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lí chất thải rắn sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại”.