Con đường làm giàu của chàng trai tuối Tý
Sản xuất lúa sạch cũng là mô hình Khuất Duy Tiến dành nhiều tâm huyết thực hiện
Bài liên quan
Năm 2020, “cởi trói” để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Tương lai rộng mở cho nghề lập trình
Nhiều cơ hội khởi nghiệp dành cho sinh viên
Thêm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên
Giấc mơ nông nghiệp sạch
Ký ức những năm tháng tuổi thơ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí Tiến. Người dân quê anh sản xuất nông nghiệp là chính. Ở gần cánh đồng nên cứ vào vụ, cả nhà lại kêu nhức đầu, chóng mặt vì mùi thuốc trừ sâu… Khi đó, Tiến đã mơ ước một phương pháp canh tác nông nghiệp không độc hại với môi trường và sức khỏe con người.
Lớn lên do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc internet, một lần nữa vấn đề về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường lại khiến Tiến trăn trở. Anh muốn làm gì đó để cuộc sống của người nông dân tốt hơn.
Những ngày đầu, không có kinh nghiệm, kiến thức khiến Tiến phải dò dẫm từng bước. Anh tìm kiếm thông tin trên mạng internet, gặp gỡ các chuyên gia để học hỏi, trao đổi. Mọi chuyện tưởng đơn giản nhưng chẳng dễ dàng. May mắn anh gặp được một thầy trong ngành Công nghệ sinh học chuyên về cấy chủng vi sinh làm phân bón và xử lý rác thải.
May mắn đó khiến Tiến thêm quyết tâm thực hiện dự án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và xử lý rác thải. Tháng 6/2016, Tiến thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Toàn cầu xanh, với thông điệp: “Cải tạo môi trường, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ sức khỏe con người - vì một nền nông nghiệp sạch bền vững”. Anh tận dụng nguồn rác thải nông nghiệp, xử lý qua một chủng men vi sinh đặc biệt do công ty nghiên cứu. Sau đó, nguyên liệu được đưa vào nuôi giun quế để tái chế ra loại phân bón hữu cơ vi sinh tốt cho cây trồng. Sản phẩm của công ty đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép sản xuất và lưu hành.
Không sợ thất bại
Không chỉ dừng ở đó, Tiến còn chia sẻ mô hình nuôi giun quế tới bà con nông dân và tận dụng rác thải hữu cơ trong gia đình để tái chế phân bón phục vụ nông nghiệp. Sản phẩm phân bón hữu cơ của công ty anh cũng được người nông dân đón nhận tích cực. Ngoài phân bón hữu cơ, Tiến còn thực hiện mô hình trồng lúa sạch. Hiện nay, doanh thu của công ty đạt 2,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động.
“Khi quyết định bỏ việc để làm nông nghiệp, người thân và bạn bè đều phản đối kịch liệt, trừ bố mình. Mọi người phản đối mạnh nhất khi mình bỏ tiền đi xin giấy phép sản xuất phân bón trong khi không hiểu biết gì về nó. Tuy nhiên, bố lại âm thầm ủng hộ”, Tiến kể.
Trước khi hái những trái ngọt đầu tiên với mô hình sản xuất phân hữu cơ, chàng trai sinh năm 1984 đã trải qua không ít thất bại. Mô hình đầu tiên Tiến thực hiện là nuôi con đặc sản như ba ba, ếch, lươn. Anh gom góp tiền tiết kiệm xây dựng bể hơn 300m2 và nhập hai tấn lươn giống về nuôi. “Ngựa non háu đá” khiến anh phải trả giá đắt và mất trắng 200 triệu đồng.
Không nản trí, Tiến vay mượn bạn bè đầu tư đốt than hoa, than nén, sản xuất gạch siêu nhẹ, cung cấp cho các tòa nhà chung cư cao tầng. Mọi chuyện tưởng tiến triển thuận lợi thì giấc mộng tan như bong bóng xà phòng. Bất động sản đóng băng, các nhà thầu dừng thi công và không có khả năng chi trả. Hàng ngày, Tiến bỏ việc, lăn lóc đi đòi nợ. Áp lực nặng nề khiến anh gần như tuyệt vọng.
“Bài học xương máu mình rút ra sau những thất bại đó chính là lòng nhiệt huyết. Quyết tâm làm giàu thôi chưa đủ, mình phải cần kiến thức và học hỏi kinh nghiệm. Quan trọng hơn, bạn phải hiểu rõ cái sắp làm là gì và có kế hoạch, lộ trình cụ thể”, Tiến tâm sự.
Ngoài kinh doanh, Tiến luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Anh mong muốn từ những hoạt động này sẽ kết nối các bạn trẻ cùng nhau xây dựng quê hương bằng những sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe mọi người.