“Cơn sóng thần” rác thải điện tử: Phải quyết liệt xử lý trước khi quá muộn
Bài 1: Những con số đáng báo động
Những năm gần đây, cơn “sóng thần rác thải điện tử” đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Theo thống kê của các tổ chức trên thế giới, rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh nhất thế giới. Dự báo mặc dù rác điện tử tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng uớc tính lượng rác thải điện tử có thể tăng trung bình 20-25% mỗi năm và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới, thậm chí còn đa dạng về chủng loại.
Gia tăng nhanh chóng về số lượng
Những con số đáng báo động về lượng rác thải điện tử hàng ngày được thải ra môi trường đang dấy lên mối lo ngại lớn đối với môi trường sống và sức khỏe con người. Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử ngày càng phát triển và việc thu gom, tái chế, xử lý rác thải điện tử còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả... là những yếu tố khiến cho vấn đề rác thải điện tử ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam tái chế (VNTC), lượng rác điện tử (RĐT) mà tổ chức này thu về tăng mỗi năm. Từ năm đầu thành lập 2015, VNTC thu về 850kg RĐT, tăng lên 4.800kg vào năm 2016, năm 2017 thu 10 tấn và năm 2018 thu hơn 11 tấn. Năm 2020 đơn vị này thu về 30 tấn. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cũng thu được đến 17 tấn rác điện tử.
Ngoài sự gia tăng về số lượng, thống kê còn ghi nhận sự thay đổi về chủng loại theo các năm. Cụ thể, ba loại RĐT chiếm tỉ trọng lớn là máy in/fax/scan có sự chuyển đổi lớn từ 13% trong 2016 lên đến 48% trong 2017; các loại linh kiện điện tử chiếm tỉ trọng 20% và máy laptop/máy tính để bàn khoảng 8%.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang có lượng rác điện tử gia tăng nhanh về số lượng (Ảnh minh họa) |
Theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dự báo đến năm 2025, riêng lượng rác thải là tivi có thể lên tới 250.000 tấn. Còn theo thống kê của chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP), mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3 kg chất thải điện tử. Những đồ điện tử như tivi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay. Số lượng RĐT này ngày càng gia tăng theo lượng sản phẩm tung ra thị trường.
Rõ ràng, có thể có nhiều thống kê khác nhau, tuy nhiên, một điểm chung là RĐT đang gia tăng ở mức nhanh chóng và đáng báo động. Điều này theo các chuyên gia cũng không khó lý giải. Bởi theo thống kê của các tổ chức trên thế giới, rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh nhất thế giới với nhiều lý do như: số lượng thiết bị điện tử được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, vòng đời ngắn hơn và các sản phẩm điện tử khi hư hỏng ít được sửa chữa, mà thay bằng mua mới. Dự báo sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030 trên toàn cầu.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, rác điện tử được sinh ra từ những loại máy móc, thiết bị, đồ dùng điện tử như tivi, máy tính, điện thoại, các thiết bị âm thanh...bị hư hỏng, không có khả năng sửa chữa hay những sản phẩm đã lỗi thời. Hiện tại Việt Nam, rác điện tử đang gia tăng nhanh chóng về số lượng và ngày càng đa dạng về chủng loại. Điều đáng nói, trong rác thải điện tử nó có chứa những vật liệu, linh kiện hoặc thậm chí là những hóa chất gây hại. Do đó, nếu không xử lý rác tiện tử đúng cách thì rất dễ khiến những chất này ngấm sâu vào lòng đất, nước, gây ra những tác hại khôn lường tới môi trường và sức khỏe con người. Đây là một thực tế đáng báo động mà các ngành chức năng cũng như người dân cần khẩn trương phối hợp và có những quy định cụ thể về việc thu gom và xử lý rác thải điện tử để giảm thiểu tác hại của rác điện tử đối với môi trường và sức khỏe con người.
Tưởng vô hại mà hại khôn lường
Tác hại của rác điện tử đã được các chuyên gia thế giới cũng như trong nước cảnh báo nhiều năm nay. Rác điện tử nếu không được thu gom và xử lý đúng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí từ đó gây hại cho sức khỏe con người về lâu dài.
Theo báo cáo từ Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), lượng rác thải điện tử chỉ chiếm 2% tổng rác thải rắn nhưng chúng chứa đến 70% các chất độc hại như chì, cadimi, thủy ngân...
GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết, rác điện tử vốn dĩ không nên được vứt bỏ, hay xử lý cùng với rác thải sinh hoạt. Bởi lẽ, rác thải điện tử có chứa một loạt những kim loại nặng như chì, thủy ngân, thiếc, sắt, đồng,... và những khí thải độc hại như CO, kèm theo các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Do đó, khi đốt cùng rác thải sinh hoạt, sẽ sản sinh ra nhiều hợp chất nguy hiểm khác.
Trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… (Ảnh minh họa) |
Theo các nghiên cứu, trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… Vì vậy, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, rác thải điện tử sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện tới con người và môi trường cả trực tiếp và gián tiếp. Khi những chất độc này ngấm vào đất, chúng sẽ ảnh hưởng đến cây trồng trong khu vực, từ đó dễ dàng xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm của người dân địa phương. Ảnh hưởng từ các độc tố này có thể khiến trẻ em bị dị tật bẩm sinh và người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe. Đối với nguồn nước, các chất độc như thủy ngân, chì, asen, bari... có thể xâm nhập vào mạch nước ngầm và đi tới các ao, hồ. Nhiều loài động vật sinh sống dựa vào các nguồn nước này có thể bị bệnh, gây ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái. Con người nếu sử dụng nguồn nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp như mắc bệnh ung thư, bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí tử vong.
Điều đáng nói, do những chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết nên rất dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra.
Khi thực hiện những cuộc phỏng vấn nhanh về tác hại của rác điện tử, hầu hết người dân đều trả lời rằng, họ không biết rõ về mức độ nguy hiểm, cũng không được tiếp cận với nhiều thông tin về vấn đề này.
Chị Nguyễn Thị Tuyến (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghe nhiều đến rác thải nhựa chứ rác điện tử thì không biết nhiều thông tin lắm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là sắt vụn, bán đi là sẽ được tái chế, không nghĩ lại ảnh hưởng đến môi trường như thế. Trước có lần tôi cũng nghe là không được vứt pin vào thùng rác. Nhưng mà mỗi lần thay cục pin điều khiển hay đồng hồ theo thói quen nên vẫn vứt vào thùng rác. Hơn nữa, những cơ sở thu gom cũng xa nhà tôi, nhiều khi chỉ có một hai cục pin nên cũng lười”.
Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Công ty Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng nên một người dùng có thể sở hữu hơn một thiết bị như máy tính bảng, laptop… Khi những thiết bị này không còn sử dụng được nữa, nhiều cá nhân, hộ gia đình sẽ xử lý bằng cách cất trong nhà, bán cho người thu mua phế liệu hoặc vứt chung cùng rác thải sinh hoạt. Điều này vô tình dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng bởi rác thải chưa được xử lý đúng cách. Vì thế, chúng ta cần nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết tình trạng này, trước khi phải hứng chịu những “nỗi đau” vô hình mà nó mang lại.
(còn nữa)
Cuộc sống trong bãi rác điện tử lớn nhất thế giới Biến rác thải nhựa thành những đồ dùng có ích Thái Lan cấm nhập khẩu rác điện tử và nhựa |