Công an Hà Nội tăng cường quản lý đối tượng trẻ ở cơ sở
Công an Hà Nội quyết liệt đấu tranh, trấn áp “tội phạm đường phố” Công an Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm Hà Nội: Trao thẻ căn cước mới cho công dân dưới 14 tuổi |
Ngày 23/7, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hội thảo nhằm đánh giá đúng tình hình công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, gắn với công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 1/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, từ đó có những kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở gắn với chuyển đổi số quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP - phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP nhấn mạnh, trong những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn so với thời cơ, thuận lợi, đã tác động đến tình hình kinh tế, xã hội trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn Thủ đô nói chung, công tác phòng, chống tội phạm nói riêng.
Tình hình hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm là người tỉnh ngoài tại địa bàn thành phố Hà Nội, đối tượng hoạt động lưu động, tội phạm liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm phi truyền thống, tội phạm trên không gian mạng… có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá.
Trước những tác động phức tạp đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) nói trên, trong những năm qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở nói riêng luôn được Đảng uỷ, Ban Giám đốc, chỉ huy các đơn vị Công an TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo.
Quá trình tiến hành, lực lượng chức năng đã chủ động, kịp thời thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu; sử dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý, giám sát, giáo dục phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại đối tượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, cắt giảm quy trình, thủ tục mang tính thủ công, từng bước thực hiện chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu sót như: Việc nắm tình hình, quản lý di biến động và hoạt động của đối tượng chưa chặt chẽ; sự phối kết hợp giữa cảnh sát khu vực, cán bộ thực hiện công tác cảnh sát khu vực với gia đình, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong quản lý đối tượng chưa thường xuyên, đồng bộ nên số đối tượng thực sự tiến bộ chưa cao.
Mối quan hệ phối hợp giữa cảnh sát khu vực, cán bộ thực hiện công tác cảnh sát khu vực với lực lượng trinh sát trong quản lý đối tượng chưa thường xuyên chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chưa được thường xuyên, đầy đủ; nắm tình hình về đối tượng chưa sâu dẫn đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tái phạm còn hạn chế… Điều này đã ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn nói chung và quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở nói riêng.
Các đại biểu dự hội thảo |
Do đó, có thể thấy tăng cường công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội là vấn đề cấp thiết, cần có sự nghiên cứu toàn diện để nhận thức đầy đủ về thực trạng, nguyên nhân của tình trạng đối tượng ở địa bàn cơ sở cũng như đánh giá thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Ban tổ chức đã nhận được trên 90 bài viết của các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, các Phòng nghiệp vụ, các đơn vị công an quận, huyện, thị xã và công an xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, đã biên tập và lựa chọn những bài có chất lượng để đưa vào kỷ yếu của Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Báo cáo về tình hình quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2021 đến nay; trong đó, đã nhấn mạnh những kết quả nổi bật đáng ghi nhận, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Các đơn vị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp quản lý trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi trạng thái công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại diện các đơn vị đến từ 4 cấp công an đã tập trung thảo luận theo 6 nhóm chuyên đề: quản lý đối tượng theo quy định pháp luật, quản lý đối tượng theo yêu cầu nghiệp vụ; quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; quản lý đối tượng tại các khu chung cư, khu đô thị mới; công tác phối hợp giữa lực lượng công an cấp cơ sở với các lực lượng nghiệp vụ trong phòng ngừa, phát hiện người nước ngoài vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội; chuyển đổi trạng thái công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở.
Hội thảo bàn nhiều giải pháp quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở |
Hội thảo cũng đã được nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị Cục nghiệp vụ Bộ Công an, lãnh đạo các đơn vị đã ghi nhận kết quả đạt được trong công tác quản lý đối tượng của Công an TP Hà Nội, đồng thời định hướng các biện pháp quản lý đối tượng trong tình hình mới.
Trên cơ sở nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, phân tích, đánh tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các đơn vị Công an TP Hà Nội, đồng chí Giám đốc yêu cầu các đơn vị, các hệ lực lượng Công an TP trong thời gian tới phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ từ đó giải quyết các vấn đề nổi cộm, cấp thiết trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở được chỉ ra trong hội thảo.