Công điện yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Theo đó, đối với các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, cần thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện tầu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động phòng tránh, thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (được xác định từ Bắc Vĩ tuyến 16, phía Đông Kinh tuyến 110 đối với bão số 7 và Vĩ tuyến 11 đến 16, phía Đông Kinh tuyến 115 đối với áp thấp nhiệt đới). Kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi, neo đậu của tàu thuyền. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn khu du lịch ven biển, khu vực sản xuất, nuôi trồng thủy sản…
Các tỉnh vùng núi phía Bắc, khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sang phương án di dời dân tới nơi trú tránh an toàn. Bố trí lực lượng, phương tiện hưỡng dẫn người dân qua lại những khu vực ngầm tràn, đường ngập nước, bến đò ngang đò dọc… Đồng thời, tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố hồ chứa thủy lợi, thủy điện…
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hiện bão số 7 đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đến 7 giờ sáng mai (28/8) sẽ chỉ còn cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 13. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới hiện đang di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam. Dự kiến vào 7 giờ sáng mai (28/8) sẽ chỉ còn cách bờ biển Bình Định – Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới được ghi nhận đang ở cấp 6, giật cấp 8.
Trước đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông những giờ qua tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Dự báo đến 7 giờ ngày 27/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8, biển động) từ vĩ tuyến 11,0 đến 16,00N; phía Tây kinh tuyến 115,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Không chỉ đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão Pakhar đang tiến dần vào phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và nhiều khả năng sẽ trở thành cơn bão số 7. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 - 30km. Đến 7 giờ ngày 27/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Trước diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã phát đi các Công điện số 48/CĐ-TW và 49/CĐ-TW yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với bão Pakhar và áp thấp nhiệt đới. Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi cảu tàu thuyền và rà soát, bảo đảm an toàn dân cư những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...