Công ty Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu vướng hàng loạt sai phạm
Công ty Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu vướng hàng loạt sai phạm (Ảnh: CN)
Bài liên quan
Ông Nguyễn Văn Thọ trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Vụ UBND TP Vũng Tàu bị tố chậm thi hành án - Bài 4: Sự đối lập giữa dân và doanh nghiệp
Bà Rịa - Vũng Tàu dừng thi công dự án 50 triệu USD lấn biển
Theo đó, ngày 18/12/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có Thông báo 855/TB-UBND về việc kết luận thanh tra toàn diện đối với Công ty Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC) từ thời điểm cổ phần hóa đến ngày 31/7/2017.
Có dấu hiệu hình sự
Cụ thể, thông báo kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của người đại diện phần vốn Nhà nước. Theo đó, giai đoạn từ tháng 5/2007 đến tháng 6/2012, ông Lê Thành Kính là người đại diện 66,05% vốn Nhà nước, đã tham gia biểu quyết đồng ý tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 25/5/2007 về việc tăng vốn điều lệ từ 81 tỷ lên 110 tỷ đồng, đã làm giảm tỷ lệ phần vốn góp của chủ sở hữu (UBND tỉnh) từ 66,05% xuống 48,64%, mà chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh.
Do vậy, việc làm trên của ông Lê Thành Kính có dấu hiệu vi phạm quy định tại Bộ luật Hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Tiếp đó, giai đoạn từ tháng 7/2012 đến tháng 8/2017, ông Lưu Minh Phương là người đại diện quản lý 20% và ông Lê Ngọc Tấn là người đại diện quản lý 28,63% phần vốn Nhà nước, đã tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2015 về việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định vấn đề tham gia góp vốn 150 tỷ đồng thành lập doanh nghiệp khác để đầu tư dự án Cảng Tổng hợp và Container Cái Mép Hạ (diện tích 86,6ha) và góp vốn 93,786 tỷ đồng thành lập doanh nghiệp khác để đầu tư dự án Cảng Tổng hợp Cái Mép (diện tích 13,227ha), mà chưa xin ý kiến của chủ sở hữu là UBND tỉnh.
Thông báo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của công ty VTSC |
Kết luận xác định, việc làm của ông Phương và ông Tấn nêu trên đều vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh năm 2014.
Sai phạm hàng loạt, gây thất thoát tài sản Nhà nước
Ngoài những sai phạm của người đại diện vốn Nhà nước, Thông báo kết luận cũng chỉ ra VTSC có nhiều vi phạm trong quản lý đất đai khi thực hiện các dự án.
Dự án đầu tiên, VTSC góp vốn thành lập Công ty TNHH Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu - Schaupp Bình Định. Trong đó, VTSC góp vốn bằng quyền sử dụng đất và mặt nước (20.400m2 tại Phường 11, TP Vũng Tàu; 35.350,7m2 tại Phường 11 và phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu), chiếm tỷ lệ 26% vốn điều lệ. Tuy nhiên, các đối tác liên doanh không thực hiện việc góp vốn và doanh nghiệp đã giải thể từ tháng 3/2013. Tính từ ngày được giao đất thực địa đến nay đã hơn 9 năm nhưng VTSC chưa đưa đất vào sử dụng, đã vi phạm pháp luật về đất đai.
Mặt khác, VTSC được UBND tỉnh cho thuê đất và mặt nước trả tiền hằng năm để thực hiện dự án nhưng công ty lại góp vốn bằng quyền sử dụng đất và mặt nước trên là không đúng quy định hiện hành.
Tại dự án Khu căn cứ Dịch vụ hàng hải và Dầu khí cũng vướng sai phạm tương tự. Trong đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải và Dầu khí, còn VTSC góp vốn thành lập bằng quyền sử dụng 132.227m2 đất tại thị xã Phú Mỹ và 49.124,8m2 mặt nước sông Thị Vải.
Dự án này do liên doanh không thực hiện góp vốn để triển khai xây dựng và công ty liên doanh đã giải thể vào năm 2010. Căn cứ theo quy định, dự án đầu tư này thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động.
Thông báo kết luận, việc VTSC thuê của UBND tỉnh mặt nước sông Thị Vải nhưng chưa đưa vào sử dụng từ ngày giao đất thực địa là vi phạm pháp luật về đất đai. Việc VTSC góp vốn bằng quyền sử dụng đất và mặt nước được UBND tỉnh cho thuê để thực hiện dự án là không đúng quy định.
Dự án Cảng Tổng hợp và Container Cái Mép Hạ do VTSC làm chủ đầu tư đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2011. Tuy nhiên hơn 5 năm sau, VTSC vẫn chưa hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chưa triển khai. Chính vì vậy, dự án đã chậm tiến độ so với quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với diện tích 854.123,7m2 (cũng thuộc dự án trên), VTSC chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã góp vốn với Công ty CP Nước Aqua One. Đồng thời, VTSC cũng chưa đưa đất vào sử dụng sau hơn 5 năm kể từ ngày giao đất thực địa.
Dự án Cảng Tổng hợp và Container Cái Mép Hạ có diện tích đất sử dụng khoảng 86,6ha đang được cơ quan chức năng xem xét vì nhiều vấn đề tồn tại (Ảnh: CN) |
Do đó, cả hai hành vi trên đều vi phạm Luật Đất đai hiện hành. Tính tới thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến Bộ TN&MT đối với trường hợp thu hồi phần diện tích đất này.
Thông báo kết luận thanh tra cũng cho biết, công trình thi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải sửa chữa tàu biển có tổng mức đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó, VTSC đã đầu tư lò đốt rác, nhà chứa rác thải với giá trị 780.490.112 đồng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 6 năm công trình vận hành được 14 giờ 10 phút và xử lý được 62kg giẻ lau thấm dầu. Sau đó, công trình bị tháo dỡ do ban đầu không đánh giá được công suất sử dụng của lò đốt rác và nhu cầu sử dụng, không lập hồ sơ xin giấy phép môi trường trước khi thực hiện dự án đầu tư dẫn đến đầu tư xây dựng công trình xong phá bỏ, gây thất thoát, lãng phí tài sản, trong đó có phần vốn Nhà nước.
Đối với công trình sàn nâng 3000T, hạng mục tôn tạo mặt bằng đã được thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán công trình. Tuy nhiên, quá trình giám sát thi công đã thiếu sót. Các hạng mục đơn vị thi công thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế được duyệt, không đủ điều kiện để nghiệm thu dẫn đến quyết toán khối lượng vượt so với dự toán được duyệt cho đơn vị thi công, thanh toán khối lượng phát sinh cho đơn vị thi công trong khi đơn vị này không thực hiện theo hồ sơ hoàn công được duyệt, tương ứng số tiền 385.032.000 đồng.
Không đảm bảo chính sách cho người lao động
Theo Thông báo kết luận thanh tra, VTSC chưa thực hiện đúng và đủ các chế độ, chính sách cho người lao động.
Cụ thể, VTSC chưa phân loại lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định; Chưa thống kê, phân loại người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Chưa thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong môi trường độc hại từ năm 2009 đến nay.
Một số trường hợp công việc hoặc chức danh có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng trong bảng lương hằng tháng chưa thể hiện chi trả phụ cấp này hoặc mức lương cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% so với mức lương công việc hoặc chức danh tương đương ở điều kiện bình thường.
Tính trợ cấp thôi việc không chính xác, trong đó, 9 người áp dụng sai văn bản, 52 người không làm tròn số tháng lẻ, không trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; 49 trường hợp kỷ luật lao động sa thải nhưng chưa cung cấp biên bản xét hình thức kỷ luật theo quy định.
Ngoài ra, VTSC còn không tổ chức khám sức khỏe định kì 6 tháng một lần đối với những lao động làm các công việc đọc hại, nguy hiểm; Tổ chức quan trắc nhưng chưa có bảng đánh giá kết quả.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý
Liên quan những sai phạm của VTSC, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT đã đưa ra những biện pháp xử lý cụ thể. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân do những sai phạm khi còn là người đại diện phần vốn Nhà nước tại VTSC; giao Giám đốc Sở TN&MT kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh về những sai sót đã nêu tại kết luận. Đồng thời, Sở lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm và tham mưu UBND tỉnh thu hồi đối với những thửa đất như kết luận thanh tra.
Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị VTSC phải chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót đã nêu trên, đảm bảo quyền lợi người lao động; Giao Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi số tiền vi phạm hơn 7,8 tỷ đồng của VTSC.
Đáng lưu ý, UBND tỉnh cũng giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BR-VT, để làm rõ hành vi sai phạm của VTSC trong việc tăng vốn điều lệ từ 81 tỷ lên 110 tỷ đồng, làm giảm tỷ lệ phần vốn Nhà nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Giám đốc Công an tỉnh điều tra làm rõ vụ việc VTSC có ký hợp đồng mua thiết bị hàng hải của một công ty ở Singapore (với số tiền gần 50.000 USD) nhưng VTSC cho rằng do "tài khoản email bị hack" nên chưa thu hồi được số tiền này.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.