COP khai trương văn phòng mới
Thái tử Đan Mạch Frederik ghé thăm văn phòng mới của COP tại Hà Nội |
Copenhagen Offshore Partners (COP) là đơn vị hàng đầu và giàu kinh nghiệm về phát triển dự án, quản lý xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trên toàn cầu. COP là đơn vị quản lý tất cả dự án điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP).
Công ty có trụ sở chính tại Đan Mạch và hiện có các văn phòng tại Đài Loan, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Việt Nam. Năm nay, xuất phát từ nhu cầu mở rộng đội ngũ nhân sự ngày càng phát triển tại Việt Nam, COP đã chính thức mở văn phòng mới nhất tại Hà Nội. Vào ngày 31 tháng 10, COP và CIP đã nhận được vinh dự lớn khi chính thức khai trương văn phòng với sự tham dự và chứng kiến của ngài Thái tử Đan Mạch Frederik và các vị đại diện của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Ngài Nicolai Prytz, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy COP và CIP đang dần đẩy mạnh sự hiện diện, thể hiện rõ sự cam kết mạnh mẽ của họ tại thị trường Việt Nam. Điện gió ngoài khơi đang là một lĩnh vực đầy tiềm năng và có khả năng cung cấp đủ năng lượng xanh không chỉ để hỗ trợ tăng trưởng mà còn giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng sạch. Tất cả chúng tôi đều mong muốn có những khung pháp lý cần thiết để mở đường cho các nhà đầu tư và nhà phát triển hàng đầu như COP và CIP tiến xa hơn nữa với các dự án của họ”.
Copenhagen Offshore Partners mở văn phòng mới tại tòa nhà Pacific Place nằm trên đường Lý Thường Kiệt ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, nơi được xem là mang tính biểu tượng của thủ đô. Cơ sở vật chất đủ đáp ứng cho hơn 35 nhân viên cùng nhiều phòng họp, phòng chức năng và các không gian chung.
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, kiêm CEO Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan, chia sẻ: “Thật tuyệt với khi thấy đội ngũ của chúng tôi không ngừng phát triển, thu hút nhiều nhân sự có năng lực cao trong nước để cùng đạt được những mục tiêu lớn và hỗ trợ nhiều công việc ngày càng mở rộng của công ty tại Việt Nam. Vị trí của văn phòng mới cho phép chúng tôi làm việc gần hơn với những ban ngành chủ chốt, chẳng hạn như Bộ Công Thương (MOIT) và điều này cũng thể hiện cam kết ngày càng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam trong hành trình phát triển điện gió ngoài khơi lâu dài”.
Sớm nhận thấy tiềm năng của ĐGNK tại Việt Nam, CIP và COP đã bắt đầu đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 2019 và đang dần khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong ngành ĐGNK còn rất mới tại đây. COP thành lập văn phòng và công ty đầu tiên tại Việt Nam chỉ với 3 thành viên chủ chốt. Hiện công ty đã mở rộng lên đến 16 nhân viên và sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ nhân sự để hỗ trợ cho những bước tiến mới tại Việt Nam.
Văn phòng mới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở vật chất và nền tảng tốt nhất cho nhân viên của COP làm việc, đồng thời thể hiện tầm nhìn cũng như cam kết mạnh mẽ của COP để đóng góp vào sự phát triển của ngành ĐGNK tại Việt Nam.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và đại diện CIP, COP tham gia lễ khai trương |
Buổi lễ diễn ra trang trọng và thân mật với sự tham dự của Ngài Thái tử Đan Mạch Frederik, Ngài Carsten Baltzer Rode, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam; Ngài Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch; Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP), kiêm Tổng giám đốc Dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn; Ông Przemek Lupa, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), cùng toàn bộ nhân viên của Copenhagen Offshore Partners tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Tập đoàn CIP và COP là những đơn vị phát triển chính của dự án ĐGNK La Gàn công suất 3.5GW tại Bình Thuận. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 10,5 tỷ USD, đóng góp hơn 4,4 tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam trong suốt dòng dời dự án. Dự án La Gàn cũng hy vọng trở thành dự án ĐGNK công suất lớn đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra, CIP và COP còn đang phát triển thêm các dự án ĐGNK với công suất lớn nhiều Gigawat ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam.
Copenhagen Infrastructure Partners là nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới về ĐGNK và đã huy động được hơn 19 tỷ USD cho các quỹ chuyên đầu tư về năng lượng tái tạo (NLTT), gần đây nhất là quỹ Chuyển dịch Năng lượng CI I (CI Energy Transition Fund I) – quỹ NLTT chuyên đầu tư vào hydrogen xanh lớn nhất thế giới cho đến nay. Ngoài ra, CIP đang quản lý một quỹ đặc biệt hướng tới các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh chóng và tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam.
CIP là nhà đầu tư tiên phong trong ngành công nghiệp ĐGNK tại nhiều thị trường mới, đồng hành cùng với công ty liên kết Copenhagen Offshore Partners (COP). CIP và COP đã có rất nhiều thành tựu về phát triển, đầu tư, huy động vốn, xây dựng và vận hành các dự án điện gió thành công, đáng chú ý nhất là Dự án Changfang Xidao 600MW tại Đài Loan. Cho đến nay, dự án này vẫn giữ kỷ lục về số vốn huy động là 3 tỷ USD, số vốn lớn nhất được huy động cho một dự án ĐGNK tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (tháng 2/2020). Bên cạnh đó còn có Dự án Vineyard 800MW tại Hoa Kỳ, dự án có quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử ngành ĐGNK của nước này và đã đạt mức thỏa thuận tài chính hơn 2,3 tỷ USD (tháng 9/2021).
Ngoài việc phát triển danh mục đầu tư toàn cầu của các dự án ĐGNK, CIP và COP cũng tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ NLTT mới, cụ thể là Power to X (bao gồm hydro và amoniac xanh), cùng các công nghê lưu trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyển tải điện. Các dự án Power to X chính bao gồm dự án hydro Murchison 5GW ở Úc, dự án Hoest 1GW ở Đan Mạch và dự án hydro xanh HNH 1,7GW ở Chile. Gần đây, CIP đã công bố kế hoạch phát triển 4GW pin lưu trữ năng lượng tại Anh. Tập đoàn cũng đang dẫn đầu công tác phát triển của Vindø, hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới tại Đan Mạch.
Bằng cách thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, sử dụng công nghệ điện gió tiên tiến nhất, mục tiêu của CIP và COP đều hướng đến sự đảm bảo nhu cầu năng lượng lâu dài của Việt Nam và hỗ trợ sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp trong nước.