Cục Y tế dự phòng triển khai các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối
Theo đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế quan tâm chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối trong năm 2020 tại các địa phương; Triển khai các hoạt động truyền thông về giảm tiêu thụ muối trên đài truyền hình, đài phát thanh và báo của địa phương; Truyền thông, cung cấp thông tin trên trang web của đơn vị và trên các trang mạng xã hội có liên quan.
Các địa phương lồng ghép truyền thông giảm tiêu thụ muối trong các hội nghị, hội thảo cộng đồng phù hợp để phổ biến, cung cấp thông tin đến các ban, ngành, đoàn thể và người dân; Tổ chức cấp phát tờ rơi truyền thông giảm tiêu thụ muối cho người dân, phát thông điệp truyền thông về giảm tiêu thụ muối trên loa truyền thanh của xã; Tuyên tuyền, tư vấn, hướng dẫn về giảm tiêu thụ muối cho người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và cho người dân ở cộng đồng;
Tổ chức truyền thông, vận động, hướng dẫn thực hiện bữa ăn giảm muối tại các căng tin trường học, bếp ăn tập thể của các cơ quan, doanh nghiệp.
Triển khai các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối trong năm 2020 |
Giảm muối để phòng chống bệnh tật Hiện nay hầu hết người Việt Nam ăn thừa muối, với số lượng gần gấp đôi so với khuyến cáo là dưới 5g/ngày. Ăn thừa muối là một nguyên nhân quan trọng của tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bệnh tim mạch và bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Để giảm ăn muối, hãy giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; Hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn; Hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên. |