"Mách nước" các kỹ năng để người tiêu dùng không mua phải thuốc giả
Cách tra cứu thông tin trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)
Sau vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc; bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, người dân vô cùng hoang mang lo lắng vì thuốc là sản phẩm hàng hoá đặc biệt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.
![]() |
Tra cứu thông tin số đăng ký và mẫu nhãn thuốc đã được cấp phép |
Để tránh mua phải thuốc giả, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người dân có thể tra cứu thông tin số đăng ký và mẫu nhãn thuốc đã được cấp phép. Cách tra cứu thông tin như sau: Bước 1: Truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược, mục Đăng ký thuốc, tra cứu số đăng ký, tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index ;
Bước 2: Tra cứu giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, nhập thông tin thuốc cần tìm (có thể tra cứu theo tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký, số đăng ký lưu hành thuốc, …)
Tại trang web này, mọi người chọn mục "Tra cứu số đăng ký" và điền đầy đủ thông tin: Số đăng ký (VD-…, VN-…, QLSP-…) hoặc tên thuốc (Paracetamol, Augmentin, …) sau đó nhấn nút "Tìm kiếm" để hiển thị kết quả.
Hệ thống sẽ cung cấp thông tin để đối chiếu và kiểm tra kết quả, thông tin đầy đủ về thuốc tại các cột tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, sản xuất; xem mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt tại cột hướng dẫn sử dụng/Mẫu nhãn.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng có khuyến cáo hướng dẫn để người dân không trở thành nạn nhân của thuốc giả. Mọi người nên mua thuốc tại nơi uy tín: Chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng; không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...
Người sử dụng cần kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc; bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa và kiểm tra các thông tin khác như: tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.
Bên cạnh đó, mọi người so sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in, hoặc logo; quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu bao bì của thuốc có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ).
Khi mua thuốc, người dân nên yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.
Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, người tiêu dùng cần cẩn trọng.
Ngoài ra, mọi người nên tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức: Tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất; tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua.
Cẩn trọng khi mua thuốc trên mạng xã hội, chợ "ảo", mua thuốc không có kê đơn
Thời gian quan, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật, bát nháo, lộn xộn về công dụng của thuốc tân dược hay gọi là thuốc Tây không đúng thực tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà dân gian thường gọi là "tiền mất, tật mang" khi việc điều trị không mang lại hiệu quả, tốn kém, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Do đó, Cục Quản lý Dược đưa ra khuyến cáo đối với thuốc kê đơn chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc mua bán thuốc online trên các mạng xã hội, chợ "ảo" cần phải cảnh giác.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Kể từ ngày 1/7/2025 khi Luật số 44/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dược có hiệu lực thi hành thì một số thuốc (thuốc không kê đơn) mới được kinh doanh (bán lẻ) theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Sau ngày 1/7/2025, trường hợp mua thuốc qua mạng, chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến được phép; không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo người dân cũng hạn chế mua thuốc theo lời quảng cáo; tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược" hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng.
Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, mọi người báo ngay cho cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu người dân đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn bởi việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

65 cơ sở y tế cấp Giấy khám sức khỏe lái xe liên thông

Khởi tạo bệnh viện Vinmec Cần Giờ theo tiêu chuẩn quốc tế

Chuyển đơn tố cáo hot TikToker Chu Thanh Huyền đến cơ quan chức năng

Cần huy động thêm nhân lực thi công cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai

21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả bán lẻ trên mạng

Cấp cứu cho em bé bị bỏ rơi, người tím tái, hạ thân nhiệt

Chiến dịch tiêm chủng ngừa dịch sởi đợt 2 đạt 96%

Tạo hình dạ dày ống đứng, giảm béo cho cô gái nặng 102kg

Đau nhức mắt đi khám mới phát hiện ký sinh trùng "làm tổ"
