Cùng tác giả 9X "chơi chữ kiểu Việt"
Bìa cuốn sách "Việt Pun"
Sự phong phú của tiếng Việt là nguồn cảm hứng tạo nên "Việt Pun" - cuốn sách “chơi chữ kiểu Việt” của tác giả trẻ 9X có góc nhìn hóm hỉnh, hiện đại, cùng hình thức thể hiện đầy tính sáng tạo.
“Pun” (hay “Punchline”) là cách chơi chữ, sử dụng các từ đồng âm hoặc đồng nghĩa với dụng ý hài hước nào đó. Hình thức này rất phổ biến trong tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Với tính tượng hình, tượng thanh của mình, tiếng Việt là một chất liệu phong phú để có thể sáng tạo nên những “pun” dí dỏm, thử thách khả năng liên tưởng và sáng tạo của mỗi người.
Tác giả của sách “Việt Pun” là LEN (tên thật là Đồng Nguyễn Thành Trung), sinh năm 1994, hiện đang là giáo viên giảng dạy bộ môn tiếng Anh, đồng thời cũng là admin của Fanpage Việt Pun, trang Facebook ra đời vào đầu năm 2017 và hiện có gần 30 ngàn người thường xuyên theo dõi.
Từ ý tưởng xây dựng một cộng đồng bạn trẻ đam mê “chơi chữ” đến việc ra mắt sách là một hành trình dài. Sách “Việt Pun” tổng hợp gần 200 câu “chơi chữ kiểu Việt” thú vị nhất được các “fan” của Việt Pun yêu thích sưu tầm, đồng thời giới thiệu cả những mẩu “pun” chưa từng được công bố trước đó. Với thế mạnh của một giáo viên ngoại ngữ, sáng tác của Trung không chỉ giới hạn trong tiếng Việt mà còn mở rộng sang hình thức song ngữ Việt - Anh, Việt - Nhật, Việt - Pháp… với nhiều thử nghiệm sáng tạo không giới hạn. Sách gồm có ba phần: Việt Pun, Bilingual Pun (song ngữ) và DIY Pun (gợi ý để bạn đọc tự sáng tạo ra những mẩu “pun” của riêng mình).
“Biến hoá cùng ngôn từ” là một thú vui hấp dẫn, cho phép bạn “định nghĩa”, gọi tên các sự vật và hiện tượng theo một góc nhìn mới mẻ và độc đáo. Điều thú vị của lối chơi chữ này nằm ở những tình huống bất ngờ, cách lí giải gây ngạc nhiên, thử thách trí thông minh và khả năng tưởng tượng.
“Trái bắp khờ dại thì gọi là gì? - Ngây ngô”, “Tại sao người béo lại hay buồn? - Vì họ quá khổ”, “Mệt nhưng vẫn chở bồ đi ngắm hoàng hôn thì gọi là gì? - Ráng chiều”, “Trang trại bò sữa đặt ở đâu là tốt nhất? - Cow nguyên (cow = con bò)”… Từ thế giới tự nhiên với các loài cây, củ, quả, các loài vật, đến thế giới con người với đủ mọi cảm xúc, các vấn đề “nóng” trong xã hội, chuyện nghề nghiệp, món ăn - thức uống, nhân vật hoạt hình, thời tiết, ngay cả… truyện cổ tích cũng có thể trở thành đề tài hài hước được khai thác trong “Việt Pun”. Có rất nhiều đề tài mang tính “thời sự”, gắn với nhịp sống của giới trẻ hiện nay như: trà sữa, phim ảnh, “thả thính”… Hình thức hỏi - đáp được sử dụng tạo cảm giác gần gũi, gắn gọn và gây bất ngờ.
Điểm nhấn của cuốn sách cũng nằm ở phần minh hoạ tuy ngẫu hứng, giản dị nhưng rất dễ thương do chính Thành Trung thực hiện, như một cuốn sổ vẽ tay, mỗi ngày đều ghi chép những ý tưởng “chơi chữ” mới mẻ.
Thành Trung chia sẻ: “Mình không học mà chỉ tự tập tự vẽ thôi. Mới đầu không có dự tính nhân vật cho Việt Pun, tới cái nào vẽ cái đó. Dần dần ý tưởng tự tới. Sau này có những nhân vật xuất hiện nhiều nên giữ lại làm nhân vật chính, và giữ nét vẽ xoay quanh những nhân vật đó luôn.”
Nhiều người hâm hộ đã gửi lời khen ngợi dành cho "Việt Pun": “Mình là một người rất ngưỡng mộ những ai chơi đùa với những con chữ và ngôn từ nên đây là page mình cực kì thích và luôn ngóng. Chưa có post nào mà không làm mình ngạc nhiên. Cố lên Việt Pun!” (tài khoản Shinken Dơ), hay gửi lời cảm ơn tác giả vì đã mang đến một hình thức “giải trí lành mạnh” - “Cuộc đời đỡ nhạt khi có Việt Pun!” (tài khoản Uyên Nhã).