“Cuộc chiến” mẹ vợ - con rể
Huyền đang sửa soạn đồ đạc để cả gia đình về chơi nhà ngoại. Cô định nhờ chồng xuống tủ lạnh lấy bịch hoa quả và chiếc bánh kem đã làm sẵn từ tối qua nhưng không thấy anh đâu. Cô vội đi xuống bếp, khi ngang qua phòng của mẹ chồng, Huyền bỗng nghe thấy tiếng bà đang to nhỏ cùng con trai: “Đừng có gần gũi, thân mật với nhà vợ quá. Là con rể, anh đi lại có chừng mực cho phải phép là được rồi. Không phải việc đại sự to tát thì về làm gì?”.
Nghe câu nói ấy, Huyền thấy hụt hẫng vô cùng. Không biết, bà nói vậy là vì mang nặng tư tưởng “dâu con rể khách” hay vì vẫn còn ôm mối ấm ức trong lòng. Trước đây, khi theo Huyền về ra mắt, Biên (chồng cô bây giờ) đã bị mẹ cô chê tơi tả vì gia đình “có gene ngoại tình”. Chẳng là, bố mẹ Biên sớm ly hôn vì người bố có nhân tình. Mẹ anh phải vất vả nuôi hai anh em Biên khôn lớn trưởng thành. Anh trai của Biên lấy vợ năm 22 tuổi nhưng được 3 năm thì ai đi đường nấy vì anh này “học tính bố”, tòm tem với một cô gái chưa chồng cùng cơ quan. Người vợ phát hiện đã đến tận nơi chồng làm việc đánh ghen một trận tưng bừng rồi ôm con về nhà ngoại.
Mẹ Huyền lo chồng cô sau này cũng dễ ngoại tình vì bố và anh trai vốn “chẳng ra gì”. Hai nhà sống cùng một xã nên chuyện mẹ cô “đi buôn”, “đi tham khảo ý kiến” người này người kia ít nhiều cũng đến tai gia đình Biên. Về phần Huyền, cô chẳng thèm bận tâm đến những suy diễn thiếu cơ sở của mẹ mình. Cô khi ấy động viên Biên rằng, mẹ hay nghĩ ngợi lung tung thì nói thế thôi chứ bà cũng biết anh là người chịu khó, biết lo cho gia đình. Biên ít nói nên cũng chẳng muốn đối đáp lại những gì mẹ Huyền phán. Cả hai sau đó đến với nhau bằng một đám cưới vô cùng lãng mạn.
Song từ ngày lấy nhau, cô luôn cảm thấy có một khoảng cách không thể lấp đầy giữa chồng và bố mẹ mình. Hàng ngày, cô toàn tâm toàn ý lo cho gia đình chồng nhưng Biên thì hoàn toàn khác. Dù hai nhà cách nhau chẳng bao xa nhưng Biên không bao giờ tự dưng mà về chơi nhà bố mẹ vợ. Chỉ những dịp lễ, Tết, giỗ chạp, hiếu hỉ, anh mới ghé qua, ăn uống nhanh nhanh chóng chóng lại về nhà. Đến nhà ngoại rồi, anh cũng chỉ chào hỏi qua loa mà không trò chuyện gì thêm. Mẹ vợ càng có lý do chê Biên, khiến Huyền luôn ở trong tình thế khó xử. Huyền tranh thủ những lúc vui vẻ góp ý với Biên.
Khi thì anh ậm ừ, khi thì bực dọc nổi khùng lên và bảo: “Tôi chỉ là thằng con rể, có phải con trai ruột đâu” hay “Tôi về hay không là quyền của tôi. Nói nhiều thế!”. Thế là vì chuyện này mà không ít lần vợ chồng Huyền cãi vã to tiếng. Một vài năm trở lại đây, sau khi hai vợ chồng có con, Huyền mới thấy mối quan hệ của chồng cô với bố mẹ tiến triển chút ít.
Vì con gái rất thích được về nhà ông bà ngoại và lúc nào cũng nũng nịu đòi bố chở về nên Biên luon chiều theo ý con. Có lẽ, vì nhận ra sự thay đổi của con trai mà mẹ chồng Huyền mới gọi vào nhắc khéo như thế. Nhiều lúc Huyền thấy mệt mỏi thực sự bởi đứng giữa ba bên trong cuộc chiến mẹ vợ - con rể này. Thường chỉ mẹ vợ - con rể không ưng nhau đã đành, đằng này, lại thêm mẹ chồng cô cứ “đổ thêm dầu vào lửa” khiến mọi chuyện càng trở nên phức tạp.
Để hòa giải xung đột giữa mẹ vợ - con rể thì hơn ai hết người con gái phải chính là "sứ giả hòa bình" |
Những câu chuyện như của Huyền vốn không hiếm lâu nay. Bà Liên (nhà ở Thạch Thất, Hà Nội) sinh được 3 cô con gái và 1 anh con trai. Hơn chục năm nay, bà để chồng một mình ở nhà với cái xưởng mộc 4 gian, còn mình đi bế cháu luân phiên cho các con. Bế con cho 3 cô con gái nên bà Liên có “kinh nghiệm” ở cùng 3 chàng rể.
Để tình cảm mẹ con không bị sứt mẻ, bà Liên luôn tự nhủ, bản thân không nên can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình của các con. Hàng ngày, bà “an phận thủ thường” lo chăm cháu, hỗ trợ các con việc nhà. Bà cứ nghĩ như thế thì sẽ chẳng có chuyện gì không vui xảy ra được. Nhưng suy nghĩ của bà có phần đơn giản quá, bởi không phải chàng rể nào cũng như chàng rể nào.
Anh con rể thứ nhất và thứ ba thì khá lành tính, cởi mở. Biết bà ở nhà chăm cháu vất vả, hai anh thường cố gắng về sớm cùng vợ làm việc nhà và trông con để bà Liên có thời gian đi tập thể dục. Hai anh đôi khi cũng dành thời gian nghe những câu chuyện của cánh người già được bà kể đi kể lại nhiều lần (vì cứ nghĩ là chưa kể), đến ngày lễ ngày Tết, anh không quên nhờ vợ mua quà tặng bà chu đáo. Riêng có anh con rể thứ hai thì có vẻ hơi… “khó chiều”.
Bà Liên biết anh này xưa nay ít nói, tính tình có vẻ khép kín nên thường ngày vẫn chủ động bắt chuyện để mẹ con có nhiều cơ hội tâm tình hơn. Thời gian đầu bà đến trông cháu, thi thoảng, anh đi làm về cũng còn hỏi han bà được vài ba câu, song dần dần anh càng ít nói. Bà Liên nghĩ thôi tính con rể thế thì mình mặc kệ, cứ chuyên tâm chăm cháu là được. Song dường như anh này càng ngày càng kỳ cục. Đi làm về nhiều khi anh không chào mẹ vợ, ở nhà không hỏi, coi bà như người vô hình.
Con gái bà thấy chồng như vậy cũng nói khó mong mẹ thông cảm. Bà Liên ban đầu cũng cố gắng hiểu con rể nhưng sau đó thì bực bội vì cảm thấy mình bị coi khinh. Vì con vì cháu bà mới bỏ nhà cửa, vườn tược để lên căn hộ chung cư bé tí, quanh ra quẩn vào suốt ngày. Thế mà anh con rể đến phép lịch sự tối thiểu cũng không có.
Một hôm, anh xin nghỉ về nhà giữa chừng, lặng lẽ đi vào nhà, không chào hỏi gì mà đóng thụp cửa trong phòng. Đến bữa bà gọi mấy lần mà anh cũng không ra ăn cơm. Bà bực qá, đùng đùng nổi giận gấp quần áo, bắt xe bus về quê vì không thể sống cùng chàng rể thiếu tôn trọng mẹ vợ như vậy. Con gái bà gọi điện khóc lóc, xin lỗi, nói không thể an tâm giao con cho osin được, bà lại xót cháu lọ mọ bắt xe lên.
Nhiều người lâu nay vẫn cho rằng, chỉ có chuyện mẹ chồng - nàng dâu mới phức tạp. Chứ còn mẹ vợ - con rể thì có chẳng có gì đáng bàn, họ có mấy khi ở chung đâu, chưa kể, con rể vốn là đàn ông, tính tình cơ bản là thoải mái, hào phóng, không so đo tính toán như cánh “đàn bà”. Thực tế, đa số mẹ vợ - con rể có mối quan hệ tốt như vậy, song không phải không có những chuyện oái oăm, đau đầu như vừa kể trên.
Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, những cô con dâu dù sao cũng nhạy cảm hơn. Nếu đôi bên có khoảng cách, họ tinh tế hơn, cố gắng tìm mọi cách để củng cố tình cảm sao cho tốt lên. Họ quan tâm chăm sóc bố mẹ chồng để chồng yên tâm công tác, để không khí gia đình luôn vui vẻ. Nhưng các chàng rể thì lại khác.
Nhiều anh dù có khúc mắc với bố mẹ vợ, bản thân cũng muốn hóa giải những khúc mắc đó nhưng lại ngại, không muốn bày tỏ tình cảm. Nhiều anh vì mang tâm lý đã cưới được con nhà người ta rồi nên “thế nào cũng được”. Bản thân không cần thể hiện tốt, không cần “ghi điểm” với bố mẹ vợ nữa. Anh nào trước đây từng bị bố mẹ vợ ngăn cấm, chê bai… mà sẵn thêm tính thù dai nhớ lâu thì chắc chắn sẽ khó có sự thân mật gần gũi với bố mẹ vợ.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia tâm lý đều thống nhất cho rằng, trong mối quan hệ (bố) mẹ vợ - con rể, họ thường thấy sự cố gắng từ phía nhà vợ hơn. Bởi các “ông bà ngoại” thường nghĩ, mình đối xử với con rể tốt một chút thì con sẽ đối xử tốt với con gái mình, chăm sóc, đỡ đần con mình mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp bố mẹ vợ là người bảo thủ, năm ăn năm thua, con rể mà hỗn thì “ông bà đây cũng không cần”. Khi ấy, con gái lại chính là người khổ sở nhất vì lúc nào cũng phải chạy đi chạy lại giữa hai bên.
Để hóa giải xung đột giữa mẹ vợ con rể thì hơn ai hết thì người con gái phải chính là “sứ giả hòa bình”. Mẹ vợ và chàng rể có nhiều khác biệt đến đâu thì cả hai người ấy đều có một mối quan tâm chung nhất. Đó chính là hạnh phúc của con gái - vợ họ. Vì thế, người gái - người vợ luôn phải khéo léo lạt mềm buộc chặt, hãy bình tĩnh, tạo cơ hội cho đôi bên thấy ưu điểm của nhau để dần dần hiểu ra sự việc, từ đó gia đình mới có thể gắn kết, vượt qua mâu thuẫn.
Chàng rể cũng đừng vì nghĩ đến cái tôi của bản thân mà khiến vợ thêm khó xử. Về phần các bậc làm cha, làm mẹ cũng nên vì hạnh phúc của con gái mình mà nhìn chàng rể một cách bao dung hơn.