Cuối tuần đến Hồ Gươm ngắm hoa tam giác mạch, thưởng thức đặc sản Hà Giang
Ngày 28/10 phố đi bộ quanh Hồ Gươm có thêm một điểm dừng chân hấp dẫn du khách, đó là quanh khu vực nhà Bát Giác. Hàng chục gian hàng với sắc màu của những bộ trang phục dân tộc thu hút du khách gần xa.
Chỗ này là gian hàng bán các loại trà đặc sản của Hà Giang, chỗ kia bán mật ong bạc hà, mắc khén; chỗ này bán măng bán bưởi, chỗ kia bán cam, bán bánh chưng gù… Những gian hàng được tái hiện gợi nhắc những gian hàng ở các phiên chợ vùng cao với những sản phẩm du lịch, đặc sản mang tính đặc trưng riêng có của cộng đồng 19 dân tộc ở Hà Giang.
Du khách thích thú được trải nghiệm một không gian văn hóa với những người phụ nữ dân tộc Mông, Phù Lá…
Đặc biệt, những chậu hoa tam giác mạch được mang từ Hà Giang xuống còn tươi nguyên như mời gọi bước chân du khách không chỉ đến đây mà còn nhớ thu xếp đến Hà Giang trong Lễ hội hoa tam giác mạch sắp khai mạc…
Trước đó, tối 27/10, lễ khai mạc đã được tổ chức với chương trình nghệ thuật “Sắc màu Hà Giang”. Chương trình do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hà Giang đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đến dự buổi lễ khai mạc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, đại diện các bộ, ngành… cùng đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách.
Chương trình đã đem đến cho khán giả những cảm nhận chân thực nhất về văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Hà Giang qua những màn hát múa như: Ca khúc “Lời của cao nguyên”, “Nét chợ phiên”, “Múa trống”, múa “Nhịp xuân bản giao”, ca khúc “Gặp gỡ phiên chợ”… Đặc biệt, các trích đoạn tái hiện “Lễ cúng tổ tiên”, “Lễ mừng năm mới”… được thể hiện trong chương trình đã thu hút đông đảo công chúng Thủ đô thưởng thức, tìm hiểu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý đã khái quát với đông đảo du khách và người dân Thủ đô về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mặc dù trong những năm qua, tỉnh Hà Giang còn khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng với mục tiêu biến khó khăn thành động lực phát triển, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tỉnh Hà Giang đã chọn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách vào năm 2020.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên như: Du lịch địa chất, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… và tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu điểm du lịch tiềm năng và vùng trọng điểm như: Thành phố Hà Giang, 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn và các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên…
Được biết, sau chương trình giới thiệu tại Hà Nội, Hà Giang sẽ tiếp tục đem không gian trưng bày văn hóa, du lịch này đến TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…