Đà Nẵng: Chuyện về "biệt đội luyện rồng" phun lửa
Linh vật rồng Ngọc Hồi thần sắc uy nghiêm, dũng mãnh Cầu rồng Đà Nẵng sẽ phun lửa liên tục 4 đêm dịp Tết Đà Nẵng: Những cuộc đời đã sang trang mới |
Cầu Rồng là cây cầu biểu tượng cho sự năng động và khát vọng phát triển vươn lên của Đà Nẵng (Ảnh DIFF) |
Điểm nhấn đặc sắc của thành phố đáng sống
Con rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết "con Rồng cháu Tiên" của người Việt. Hình tượng con rồng cũng được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật...
Ngoài danh xưng là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, Đà Nẵng còn được biết đến là “thành phố của những cây cầu”. Mỗi cây cầu bắc qua sông Hàn đều có ý nghĩa và nét độc đáo riêng, trong đó cầu Rồng là điểm nhấn đặc sắc của thành phố.
Cầu Rồng với kiến trúc mô phỏng hình tượng rồng thời nhà Lý đang uốn lượn, chuẩn bị vươn mình bay ra biển lớn được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2009, chính thức thông xe ngày 29/3/2013 với tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng.
Phần đầu rồng có trọng lượng 194,1 tấn, thân rồng nặng 8.405,1 tấn và phần đuôi nặng 183,9 tấn. Đuôi rồng với hình ảnh một bông sen đang nở được cách điệu vô cùng ấn tượng. Phần thân rồng uốn lượn đang vươn ra biển Đông, thể hiện khao khát hội nhập với bạn bè năm châu.
Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ.
Cầu Rồng với kiến trúc mô phỏng hình tượng rồng thời nhà Lý đang uốn lượn, chuẩn bị vươn mình bay ra biển lớn |
Cầu Rồng có tổng chiều dài là 666m, bề rộng mặt cầu 36-37,5m được thiết kế 2 chiều lưu thông riêng biệt với 6 làn xe, nối đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) qua sông Hàn đến nút giao thông Bạch Đằng - Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu).
Khi đêm về, các vảy rồng được thắp sáng bởi hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh. Giải pháp chiếu sáng của cầu do công ty Philips (Hà Lan) đảm nhận có thể chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Kiều Hạnh, điểm nổi bật trong thiết kế của cầu là các kết cấu vòm chịu lực liên kết với hệ dầm hộp bằng kết cấu cáp dây treo. Đây là kết cấu vòm thép đơn (một mặt phẳng) duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.
Hệ vòm thép bao gồm 5 ống thép đường kính 1.100mm dày 20mm được liên kết tại các mặt bích; tại các mặt bích này bố trí hệ cáp treo đỡ hệ dầm mặt cầu thép liên hợp. Các vòm thép này vượt khẩu độ 90 và 160m, vòm có bán kính cong theo đường sinh từ 80 - 130m.
Để kiểm tra đường ống phun lửa và phun nước bên trong đầu rồng, các kỹ sư leo lên chiếc thang dài khoảng 10m (Ảnh Đ.Minh) |
Theo chân “biệt đội luyện rồng”
Theo chân những kỹ sư Đội quản lý cầu Rồng và Trần Thị Lý (Xí nghiệp Quản lý cầu Đà Nẵng), phóng viên có dịp tiếp cận kết cấu của hệ thống phun lửa, phun nước đặt gọn ở "miệng rồng".
Vừa đến nơi, các kỹ sư thả chiếc thang bằng thép dài chừng 10m có một đầu cố định sẵn ở cửa vào phía hàm dưới của Rồng, rồi từng người một leo vào bên trong kiểm tra.
Làm việc tại Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng từ năm 2011, kỹ sư Nguyễn Như Anh Tuấn cho biết, vào chiều thứ sáu hằng tuần, chúng tôi sẽ vào đầu rồng để duy tu, bảo dưỡng.
Công việc thường xuyên leo cao nên không dành cho người sợ độ cao, huyết áp hay tim mạch. Quy trình kiểm tra diễn ra trong khoảng 30 phút đến nhiều giờ trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường.
Kỹ sư Nguyễn Như Anh Tuấn chia sẻ về kết cấu bên trong đầu rồng có gì đặc biệt và cách thức hoạt động phun lửa, phun nước (Ảnh Đ.Minh) |
Quy trình kiểm tra gồm: Hệ thống van khí, hệ thống bơm dầu, bơm nước, hệ thống dây dẫn điện, sau đó là hệ thống máy nén khí, máy bơm nước, máy phát điện, bể chứa nước, hệ thống PCCC…để chuẩn bị cho rồng phun lửa, phun nước phục vụ du khách vào lúc 21 giờ thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần.
Gần 10 năm vận hành hệ thống phun nước, phun lửa của cầu Rồng, anh Tuấn chứng kiến đôi lần hệ thống bị sự cố không xử lý kịp. Lúc đó, Đội vận hành sẽ phát loa thông báo cho du khách được biết và tiến hành khắc phục.
“Chứng kiến du khách tập trung 2 bên cầu chờ xem rồng phun lửa, phun nước, chúng tôi như được tiếp thêm động lực vì được phục vụ mọi người. Quen dần những ngày như thế nên cứ thấy phía Đông cầu Rồng người xe nườm nượp chờ xem trong lòng chúng tôi lại có cảm giác nâng nâng khó tả. Hầu như ngày lễ, Tết mọi việc cúng kiếng ông bà đều nhờ người nhà, bởi toàn bộ thời gian đó mọi người trong đội pahir trực tại trạm vận hành cầu” anh Tuấn chia sẻ.
Kỹ sư Nguyễn Toàn (SN 1994) là người trẻ tuổi nhất đội vận hành cho biết, để có màn trình diễn phun nước, phun lửa hoàn hảo, đội chúng tôi sau khi kiểm tra phải cho chạy thử hệ thống phun trước, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru. Thường thì việc kiểm tra hệ thống phun lửa sẽ tốn nhiều thời gian hơn, bởi đây là thiết bị phức tạp với ray trượt, van khí, bơm dầu, đánh lửa…
Mỗi đêm trình diễn có 3 lượt phun lửa, mỗi lượt gồm 9 lần phun. Tiếp đó là màn trình diễn phun nước cũng với 3 lượt, mỗi lượt 4 lần phun. Mỗi đêm trình diễn cần 45 lít dầu DO và 5m3 nước.
Sau khi kiểm tra kỹ từ các chi tiết máy móc, thiết bị vận hành ổn định, nhóm kỹ thuật lần lượt rời khỏi “đầu rồng”, sau đó hệ thống phun lửa được đẩy ra khỏi miệng rồng để tiến hành phun thử.
Phía bên trong "đầu rồng" không phải ai cũng được tiếp cận để tìm hiểu, các kỹ sư sử dụng xe chuyên dụng để tiếp cận các vị trí khó (Ảnh NVCC) |
Theo ông Tống Ngọc Quang, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý cầu Đà Nẵng, ngoài là huyết mạch giao thông của thành phố thì cầu Rồng, cầu Sông Hàn được thiết kế để phục vụ thêm cho phát triển kinh tế du lịch về đêm.
Để phục vụ du lịch trong những dịp lễ, Tết, đơn vị phân công người trực thường xuyên, đồng thời liên tục duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo việc vận hành được thông suốt.
“Năm 2014, cầu Rồng đã nhận 2 giải thưởng danh giá của thế giới gồm: Giải Special Citation (biểu dương đặc biệt) từ IALD và giải thưởng Kỹ Thuật xuất sắc (EEA). Cầu Rồng cũng được bình chọn là một trong 8 công trình và dự án xuất sắc nhất thế giới được vinh danh. Đây là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng”, ông Tống Ngọc Quang cho biết.
TP Đà Nẵng hiện có 53 cây cầu, trong đó 6 cầu có kết cấu đặc biệt gồm: Cầu Rồng, Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Phò Nam và 47 cầu bê tông khác.