Đà Nẵng: Những cuộc đời đã sang trang mới
1.
Cô Lai từng sang qua sông gói kẹo bọc thiếc 10 tiếng đồng hồ cho xưởng người Hoa, tối chèo đò về bên này sông, mười đầu ngón tay rơm rớm máu nhưng vẫn phụ giúp chồng may âu phục. Cô cũng từng chân trần quảy quang gánh đi dọc chiều dài 2.000 cây số của đất nước để buôn mắm, buôn gạo, buôn tiêu nuôi chín đứa con. Khi Đà Nẵng chưa phải là thành phố đáng sống, chưa có những cái nhất thế giới, như nhiều người, cô Lai phải đi xa.
Cô Lai bây giờ được biết đến nhiều hơn với cái tên bà Dưỡng. Người phụ nữ được Google nhiều nhất Đà Nẵng sở hữu một quán ăn nổi tiếng nhất thành phố: bánh xèo bà Dưỡng. Khung cảnh tấp nập ở con kiệt trên đường Hoàng Diệu bắt đầu từ lúc 9h30 sáng đến 21h tối, lúc nào cũng đông đúc người nước ngoài.
Quán bà Dưỡng |
“Thành phố bây giờ đẹp như cung trăng”, người phụ nữ lớn tuổi mở đầu câu chuyện đời mình bằng câu cảm thán đầy ngạc nhiên và không giấu được niềm tự hào.
Nghề bán bánh xèo bà học được trên đường đi buôn mắm qua Quảng Ngãi. Bà nhìn họ làm rồi về tự mày mò nguyên liệu, công thức để làm. Gia tài của bà khi đó là đôi bếp lò và cái bàn gỗ con, cái ghế băng vừa 4 người ngồi. Năm 1979, đấy là một trong 5 điểm ăn uống duy nhất của thành phố diện tích hơn 1000 km2.
Bà Lai ngày bán bánh xèo, bún mắm, bánh tráng, tối lại nấu chè bán, hoặc làm bánh ú đội thúng lên đầu đi bán dạo quanh thành phố. Khi cả thành phố đã ngủ cũng là lúc bà về nhà, chuẩn bị ngâm bột, nhặt rau cho ngày bán hàng tiếp theo.
Thành phố khi ấy không nhiều chỗ chơi. Đến tận những năm 2000, niềm vui lớn nhất của nhiều công dân thành phố này vẫn là đi xem xây cầu. Dân Đà Nẵng vẫn tắt đèn đi ngủ lúc 7 giờ tối. Khái niệm du lịch hầu như không tồn tại.
Bà Lai tối ngày bận tráng bánh bên lò, sau này đã chuyển vào nhà trong kiệt. Không có nhiều lúc rảnh rang nhưng mỗi khi bước ra ngoài bà đều thấy thành phố mình có thêm nhiều cái mới: công viên, khách sạn, nhà hàng, “cầu lớn cầu nhỏ”. Bà cảm thấy ngạc nhiên ngay trong chính nơi mình sống gần tám chục năm cuộc đời.
Năm 2013, lần đầu bà được con gái dẫn lên Bà Nà Hills. “Ui cha cơ man nào là đẹp, đẹp như cung trăng”, bà nhắc lại câu cảm thán quen thuộc. Bà không tin rằng đây chính là ngọn núi ngày xưa cũng có lần lên thăm, “lên cũng cực xuống cũng cực mà đâu có gì”.
Hôm ấy bà Lai đã gặp rất nhiều người ngoại quốc, nhưng đấy không phải lần đầu bà tiếp xúc với họ. Quán bánh xèo bà Dưỡng từ nhiều năm nay đã trở thành địa điểm khách du lịch không thể bỏ qua khi đến thành phố đáng sống này.
Từ gánh hàng rong đầu ngõ, bánh xèo bà Dưỡng trở thành một quán ăn năm châu, khiến nhiều khách quốc tế quay lại đến lần thứ 5, thứ 6. Cũng như Đà Nẵng vươn dậy trong hình hài của một vùng chài lưới nghèo nàn hoang sơ, trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới. “Không có du lịch thì sao mà mạnh được”.
2.
Có hai lần trong đời Thủy từng muốn đi khỏi Đà Nẵng.
Lần đầu tiên anh mới 5 tuổi, khi gia đình chuyển vào từ Nam Định. Và lần thứ 2, khi cậu tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, đại học Bách Khoa Đà Nẵng. “Thành phố khi đó không có gì ngoài cát”. Tuổi thơ gian khó của Thủy gắn liền với câu chuyện của thành phố biển Đà Nẵng nghèo nàn hai mươi năm về trước.
Thủy sống cạnh sông Hàn, nhưng là ở “bên kia sông”, nơi những căn nhà chồ mái lá của phường An Hải Bắc chen chúc nhau chống chọi lại cái gắt của gió biển và cơn thịnh nộ của tự nhiên mỗi mùa mưa bão đến. Thủy chiều nào cũng xách xô đi ròng rã khắp lối xóm xin cơm thừa về cho mẹ nuôi lợn.
Thủy tại chợ Hàn |
Ước mơ của Thủy khi ấy là một mái nhà kiên cố. Ước mơ của cậu còn là một cây cầu nối liền đôi bờ sông. Là một ngày thằng bé Thủy, người vẫn bị bạn bè quận 1 gọi là “thằng bông ke sông” có thể thoát khỏi cái nghèo.
Năm 2000, cây cầu sông Hàn hiện thực hóa cho Thủy hai ước mơ đầu tiên. Bố mẹ dùng tiền giải tỏa mặt bằng xây một căn nhà gạch, Thủy đã có thể sang nhà sách Bạch Đằng không cần phà. Nhưng mảnh ghép Đà Nẵng chưa thể giúp ước mơ thứ 3 của Thủy thành hiện thực. Nền kinh tế Đà Nẵng không xác định được đi theo hướng nào. Bãi biển đẹp, hàng thông um tùm chỉ là nơi tắm mát cho con trẻ.
Như những bè bạn có hoài bão cùng thời, sau khi tốt nghiệp, Thủy rời thành phố quê hương đến với Sài Gòn.
Công việc với mức thu nhập trong mơ tại tập đoàn nước ngoài không khiến Thủy nguôi nỗi nhớ thành phố biển nghèo. Năm 2011, khi Thủy hội ngộ với Đà Nẵng, cái tên của thành phố này đã được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch.
Sun World Danang Wonders) |
Chính sách làm du lịch của thành phố được củng cố, những nhà đầu tư lớn cũng tìm đến Đà Nẵng để xây dựng nhiều khách sạn, khu vui chơi giải trí quy mô lớn. Du khách bắt đầu tìm đến với Bà Nà Hills, với Cầu Rồng, Asia Park (nay là Sun World Danang Wonders), với bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Lượng khách du lịch tăng gấp gần 10 lần trong vòng 10 năm, thu nhập bình quân của người Đà Nẵng cũng tăng gần 4 lần, lên khoảng 3000 USD, cao hơn cả thủ đô Hà Nội và thành phố Thủy bỏ lại, Sài Gòn.
Sau nhiều lần thay đổi công việc và nơi ở, sau nhiều thất bại và chông chênh, Thủy gắn bó với Đà Nẵng. Anh phát triển chuỗi 10 cửa hàng đồ lưu niệm thủ công truyền thống trên các con phố và trong các khách sạn cao cấp của Đà Nẵng và Hội An từ đôi bàn tay trắng.
Niềm đam mê và sự kiên trì là thứ quan trọng nhất trong sự đổi đời của chàng trai 32 tuổi Phạm Xuân Thủy. Song chính anh khi nhìn lại cũng khẳng định, “tất cả những gì mình có hôm nay không thể thành sự thật, nếu không có sự phát triển của ngành du lịch”.
Vĩ thanh
Có những cuộc đời đã đổi thay, khi Đà Nẵng chuyển mình từ một làng chài nghèo thành thủ phủ du lịch của miền Trung, thành điểm đến giải trí đứng đầu cả nước với nhiều khu du lịch hàng đầu cả nước như Sun World Ba Na Hills, thành thành phố du lịch sang trọng trên thế giới với InterContinental Danang Sun Peninsula Resort 4 lần được World Travel Awards vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” hay “Khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới dành cho gia đình” Premier Village Danang Resort do TripAdvisor bình chọn.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort |
Đằng sau công cuộc lột xác ấy của Đà Nẵng, có những doanh nghiệp, những nhà đầu tư đầy tâm huyết. Như CEO của Sun Group, ông Đặng Minh Trường từng nói: “Những gì làm cho Đà Nẵng, chúng tôi sẽ làm đẹp nhất, tốt nhất”.
Nhờ tâm huyết ấy và niềm tin vào chính mình, Đà Nẵng liên tục vươn xa!